CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

2025-07-09 10:37:00.0

Ngày 01/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số quốc gia một cách bền vững và hiệu quả.

Ngày 01/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số quốc gia một cách bền vững và hiệu quả.    

Ảnh minh họa

Lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số áp dụng hợp tác công tư

Theo Nghị định, hợp tác công tư được áp dụng trong nhiều lĩnh vực then chốt, bao gồm: Công nghệ cao, công nghệ chiến lược, hạ tầng cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ; hạ tầng số phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; nền tảng số dùng chung theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số, hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực công nghệ số, nhân lực công nghiệp công nghệ số; và các loại hình công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động khác phù hợp với mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình hợp tác công tư, Nghị định quy định nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ Nhà nước, như: được áp dụng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, trong đó có chính sách doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; được áp dụng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; được sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật; được áp dụng cơ chế chấp nhận rủi ro, bảo vệ người thực hiện và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ngoài ra, các hình thức tham gia hợp tác công tư đều có chính sách ưu đãi riêng đi kèm, tạo điều kiện linh hoạt cho các mô hình liên kết phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực. 

Các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị định quy định rõ 03 hình thức hợp tác công tư (PPP) áp dụng trong lĩnh vực này, gồm: Hợp tác công tư theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết và các hình thức hợp tác công tư khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Hợp tác công tư theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Đối với hình thức đầu tư theo Luật đầu tư PPP, Nghị định xác định phạm vi áp dụng cho các dự án đầu tư, xây dựng, vận hành có kết hợp hoạt động nghiên cứu, kinh doanh (gọi là dự án PPP khoa học, công nghệ). Các dự án này nhằm phục vụ: Hạ tầng nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược; hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu; hạ tầng phục vụ hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ số và các hạ tầng khác về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các loại hợp đồng PPP có thể áp dụng, bao gồm: Hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh); hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ), BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao); hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) và hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý).

Đặc biệt, các dự án PPP khoa học, công nghệ được hưởng cơ chế đặc thù về hỗ trợ, ưu đãi đầu tư, như sau: được áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP lên đến 70% tổng mức đầu tư để hỗ trợ xây dựng công trình và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm; được đặt hàng hoặc tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước (theo Điều 22 của Nghị định), độc lập với phần vốn hỗ trợ nêu trên; được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong 03 năm đầu vận hành, với mức chia sẻ 100% phần chênh lệch giảm doanh thu so với phương án tài chính (nếu đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư); cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (theo Điều 52 của Luật Đầu tư PPP) nếu sau 03 năm đầu vận hành mà doanh thu thực tế vẫn thấp hơn 50% doanh thu dự kiến trong phương án tài chính, dù đã áp dụng cơ chế chia sẻ nêu trên.

Hợp tác công tư theo cơ chế sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết

Nghị định quy định phương thức hợp tác công tư thông qua việc sử dụng tài sản công, bao gồm cả dữ liệu, nhằm liên kết giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chiến lược hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ số.

Với hình thức này, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp một khoản tối thiểu bằng 2% doanh thu (theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong trường hợp sử dụng để liên doanh, liên kết nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ chiến lược quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị định này).

Ngoài ra, Nghị định còn quy định rõ ràng về quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu và phân chia lợi nhuận trong hợp tác công tư; cơ chế truy cập và sử dụng dữ liệu do cơ quan nhà nước quản lý trong hợp tác công tư; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát định kỳ theo từng giai đoạn triển khai. 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Riêng các quy định tại Điều 6, Điều 19 và Điều 22 của Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2025. 

Nghị định 180/2025/NĐ-CP là một văn bản pháp lý quan trọng, được ban hành đúng thời điểm, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc định hình cơ chế hợp tác công tư trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang giữ vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia.

Xem chi tiết Nghị định tại đây./.
 

TM

Trang thông tin điện tử tổng hợp Chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Thái Hoàng - Giám đốc

Địa chỉ: Phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn