CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển năng lực số

2025-02-18 08:54:00.0

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên xác định việc nâng cao năng lực số cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp, là nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, là yếu tố then chốt góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên xác định việc nâng cao năng lực số cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các cấp, là nền tảng quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, là yếu tố then chốt góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn phổ cập kỹ năng số cho hơn 300 học viên Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Phú Bình

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trên môi trường số của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, ngày 05/2/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 234/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển Năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025. Theo Đề án, nâng cao năng lực số cho người dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nâng cao nhận thức và phát huy tính tiên phong, hành động quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các ngành, tổ chức, các doanh nghiệp và người lao động trong việc phát triển năng lực số; coi AI là công cụ quan trọng, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, từ đó đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến tận dụng các công cụ AI trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần phát triển hệ thống giáo dục mở, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, thúc đẩy việc hình thành và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức giáo dục để thực hiện các chương trình đào tạo và phát triển năng lực số, hợp tác trong việc ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ giữa các bên. Cần tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực khác nhau của xã hội trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Đại học Thái Nguyên, hợp tác quốc tế và đội ngũ chuyên gia của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện phát triển năng lực số cho lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng AI trong nghiên cứu và giảng dạy Vật lý”

Với những cơ hội và thách thức hiện nay, người sử dụng lao động, cần xác định rõ nhu cầu về các kỹ năng số cần trang bị cho người lao động để phù hợp chiến lược, mô hình kinh doanh cũng như định hướng chuyển đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ số đặc biệt là ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình. Từ đó đưa ra các phương án đào tạo, nâng cấp năng lực số cho người lao động, cũng như tuyển dụng lao động mới với các kỹ năng chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó cần tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo các kỹ năng cho người lao động. Đối với người dân, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động, cần tăng cường tính chủ động và khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chủ động trang bị các kỹ năng về công nghệ số, trọng tâm là các công cụ AI và các kỹ năng mềm khác giúp nâng cao năng lực số của bản thân để thích ứng với nhu cầu về lao động số, lao động có kỹ năng đang gia tăng không ngừng của thị trường lao động.

Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025: Xây dựng đội ngũ chuyên gia (giảng viên cấp tỉnh gồm 30 người) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại cho 3.000 cán bộ đào tạo nòng cốt (ToT - Training of Trainers) của các sở, ngành, địa phương, các trường Đại học, Cao đẳng, tổ công nghệ số cộng đồng; phát triển học liệu, tài liệu giảng dạy dùng chung phục vụ đào tạo trực tiếp; phát triển học liệu số tích hợp vào các nền tảng số sẵn có để triển khai đào tạo trực tuyến; xây dựng kho học liệu số góp phần hỗ trợ người dân học tập mọi lúc, mọi nơi để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành phổ cập kiến thức về năng lực số cho người lao động tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số và phát triển học liệu số. Phấn đấu 80% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% trở lên doanh nghiệp trong các khu công nghiệp triển khai Chương trình đào tạo công nghệ số cho người lao động ít nhất 01 giờ/tuần;  trong đó có ít nhất 80% người lao động tham gia. Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên được đào tạo nâng cao năng lực số cơ bản; 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và 50% các trường trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và đào tạo kỹ năng số. Ít nhất 70% số người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực chủ yếu: Hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, thương mại, ngân hàng… Ít nhất 50% người có công với cách mạng và các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và người dân vùng sâu, vùng xa được hướng dẫn để có thể tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ an sinh xã hội... Triển khai thí điểm các mô hình công nghệ số: Xây dựng Trung tâm đào tạo công nghệ số và kết nối việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thái Nguyên và tại Trung tâm Số - Đại học Thái Nguyên; chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng 01 trường Đại học số thuộc Đại học Thái Nguyên và 01 trường Cao đẳng số.

Đề án thực hiện các nội dung trọng tâm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng lực số; Ban hành khung năng lực số cho công dân tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng học liệu, giáo trình đào tạo trực tuyến; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng viên, cán bộ nòng cốt; Tổ chức đào tạo, phát triển năng lực số cho người lao động; Triển khai mô hình “Bình dân học AI” và phát triển nền tảng số, mô hình số; Công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá và kiểm tra, giám sát.

Triển khai thành công Đề án sẽ trang bị cho người dân có một kỹ năng số cơ bản, ứng dụng được những công nghệ số phù hợp, khai thác được các dịch vụ số thiết yếu, nâng cao nhận thức, thái độ trên môi trường số mà còn trang bị kiến thức, kỹ năng phục vụ giao tiếp, học tập, nghiên cứu, giải trí, làm việc, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trên nền tảng số… Tăng cường khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, trong tâm là công cụ AI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc số và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
    

 

M.C

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Vũ Đình Giang - Giám đốc

Địa chỉ: số 5, đường Nha Trang, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn