Thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
2025-06-24 10:20:00.0
Ngày 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, lấy việc bảo đảm tính liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị làm mục tiêu xuyên suốt và cao nhất, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc cải cách tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính; bảo đảm bộ máy các cấp sau cải cách vận hành thông suốt, liên thông, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho quản trị quốc gia hiện đại và phát triển bền vững.
Lộ trình thực hiện được chia làm 02 giai đoạn:
Giai đoạn cấp bách (đến ngày 30/6/2025): Tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt, liên tục, hiệu quả từ ngày 01/7/2025. Không để xảy ra tình trạng gián đoạn, ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Giai đoạn đột phá (đến ngày 31/12/2025): Khắc phục cơ bản những tồn tại, yếu kém cố hữu về chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị. Hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối các cơ sở dữ liệu quan trọng, nâng cao thực chất chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Với từng giai đoạn, Kế hoạch cũng xác định rõ các mục tiêu cụ thể. Trong giai đoạn từ nay đến 30/6/2025 bố trí trụ sở, trang cấp thiết bị, phân công lãnh đạo, nhân lực, hệ thống hạ tầng mạng, thiết lập và vận hành ổn định Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, tại cấp xã theo mô hình chính quyền mới, bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp liên tục, không gián đoạn… Giai đoạn từ ngày 01/7/2025 đến 31/12/2025, thực hiện việc cung cấp tập trung các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần, theo hướng thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc, từng bước thay thế các dịch vụ công trực tuyến riêng lẻ tại cấp tỉnh. Trong đó, bảo đảm duy trì và cung cấp thực chất, hiệu quả 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm cung cấp 982 dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ trung bình của mỗi dịch vụ công phát sinh ít nhất 1.000 hồ sơ/năm/tỉnh; bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 82 nhóm thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ được thay thế bằng dữ liệu, cắt giảm giấy tờ và chi phí; phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch; hoàn thành xây dựng, làm sạch và đưa vào khai thác, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung” đối với 12 cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trọng yếu; phấn đấu 100% hồ sơ, tài liệu công việc phát sinh từ ngày 01/7/2025 được tạo lập và xử lý trên môi trường điện tử…
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, Kế hoạch xác định rõ ba giải pháp đột phá mang tính dẫn dắt, bao gồm: thống nhất trải nghiệm số cho người dân, doanh nghiệp thông qua thiết lập một mô hình tương tác hai thành phần duy nhất là VNeID và Cổng Dịch vụ công Quốc gia; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành toàn hệ thống chính trị dựa trên dữ liệu số và kết nối liên thông liền mạch hệ thống dịch vụ công với hệ thống điều hành tác nghiệp và năng lực giám sát hiện trường, song song với việc xây dựng các nền tảng số minh bạch để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hiệu quả quyền giám sát, phản biện; hệ thống văn bản điều hành số Đảng - Chính quyền - Mặt trận hoàn thiện liên thông thống nhất, bảo đảm gửi, nhận văn bản điện tử (kể cả văn bản mật) thông suốt, an toàn, bảo mật giữa tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tổ chức triển khai theo 6 trụ cột là thể chế; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; dữ liệu; nền tảng; nhân lực và tài chính, với tổng số 67 nhiệm vụ chia theo hai giai đoạn. Đồng thời, Kế hoạch xác lập mô hình kiến trúc tinh gọn, tập trung vào các chức năng cốt lõi của chính quyền số, vận hành trên nguyên tắc “Một hệ thống thống nhất - Một dữ liệu duy nhất - Một dịch vụ liền mạch”.
Để đảm bảo Kế hoạch được triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực chất và đạt hiệu quả cao nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị. Đối với các nhiệm vụ có tính liên ngành, phức tạp, các cơ quan chủ động thành lập các Tổ công tác, ban hành quy chế phối hợp rõ ràng, thống nhất phương án thực hiện, đồng thời định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Chi tiết Kế hoạch xem tại đây./.