Triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
2025-02-10 15:19:00.0
Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công nghiệp bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội. Với những lợi thế về địa chính trị, nguồn nhân lực dồi dào là cơ hội cho Thái Nguyên tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại diện Đại học Seoul Cyber và Đại học Thái Nguyên ký kết hợp tác triển khai Đại học số, trong đó đào tạo nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là nội dung trọng tâm
Tỉnh Thái Nguyên hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có trên 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD. Đáng chú ý, khoảng 70% trong số các dự án này thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử.
Cùng với đó, Thái Nguyên được cả nước biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 9 trường đại học; 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 12 trường cao đẳng và 09 trường trung cấp). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI đang được thực hiện ở các trường đại học: Công nghệ thông tin và Truyền thông; Kỹ thuật Công nghiệp; Khoa học. Tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Đại học Thái Nguyên là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về Đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, phù hợp với chủ trương của Đảng, chiến lược phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển trên thế giới.
Nhằm phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip chuyên dụng và thiết bị điện tử hàng đầu cả nước, ngày 24/01/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Kế hoạch đưa ra các mục tiêu cụ thể đến đến năm 2030: Chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, nhân lực và các điều kiện khác phục vụ nghiên cứu, sản xuất và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn để thu hút đầu tư; thu hút tối thiểu 01 dự án đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn; kết hợp/phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để hỗ trợ đào tạo nguồn giảng viên và kỹ sư tài năng cho tỉnh Thái Nguyên (khoảng 20 lượt mỗi năm); mỗi năm tuyển và đào tạo khoảng 300 nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo chuyển đổi khoảng 1.000 nhân lực ngành liên quan (gần) sang ngành công nghiệp bán dẫn; số lượng người tốt nghiệp các ngành gần khoảng 2.000 nhân lực. Mục tiêu đến năm 2050: Từng bước khẳng định thương hiệu của Thái Nguyên như một trung tâm công nghệ cao của khu vực và cả nước để góp phần thu hút đầu tư, tạo ra các cơ hội phát triển mới và củng cố vị thế của tỉnh trên bản đồ công nghệ quốc gia và quốc tế; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm nhân lực toàn cầu cho ngành bán dẫn; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp lớn và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện bao gồm: Khảo sát, đánh giá tiềm năng; xây dựng hạ tầng đầu tư; thu hút đầu tư; phát triển nhân lực và thu hút nhân tài; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng; tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, đoàn thể, địa phương, các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển công nghiệp bán dẫn tại Thái Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn, từng bước khẳng định thương hiệu của tỉnh như một trung tâm công nghệ cao của khu vực và cả nước để góp phần thu hút đầu tư, tạo ra các cơ hội phát triển mới và củng cố vị thế của tỉnh trên bản đồ công nghệ quốc gia và quốc tế.