Nâng cao năng lực số cho người dân Thái Nguyên
2025-04-09 18:06:00.0
Chuyển đổi số đang trở thành một yếu tố then chốt trong việc cải thiện đời sống và nâng cao năng lực số cho người lao động. Để tận dụng những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh đang tập trung phát triển năng lực số cho người dân trên địa bàn giúp họ tiếp cận và khai thác các công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc trên môi trường số của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, tỉnh ban hành Đề án phát triển Năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025 là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nội dung cụ thể của Đề án đó là triển khai chương trình “Bình dân học AI”, với mục đích giúp mọi người dân tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là người dân trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60) làm chủ và sử dụng được AI trong cuộc sống.
“Bình dân học AI” giúp người lao động kết nối với kho tri thức nhân loại thông qua AI; hình thành tư duy “AI First” (ưu tiên AI) và văn hóa ứng dụng “AI xứ Trà” trong giải quyết vấn đề, giúp cộng hưởng trí tuệ cá nhân của mỗi người với trí tuệ nhân tạo. Với “Bình dân học AI”, việc học không còn giới hạn trong phòng học hay trên bàn làm việc. Mỗi người dân ở bất kỳ đâu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân đều có thể truy cập vào kho tàng kiến thức về AI. Mọi người không chỉ học cách sử dụng AI, mà còn học cách “nói chuyện”, “giao tiếp” với AI qua ngôn ngữ của mình. Với nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, đông đảo người dân Thái Nguyên đã tiếp xúc với AI từ nhiều năm nay qua các ứng dụng, dịch vụ như: Google, Facebook, YouTube, TikTok… Đặc biệt, gần đây khi ứng dụng ChatGPT ra mắt cho phép giao tiếp 2 chiều (chat) trên nền tảng Internet, cung cấp các nội dung, thông tin hay yêu cầu xử lý dữ liệu, công việc cụ thể một cách hoàn toàn tự động,… Với những tiện ích mà AI mang lại, các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn; các cơ quan báo chí, truyền thông đã đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình; Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm số triển khai chương trình đào tạo học viên nòng cốt cấp tỉnh cho 300 cán bộ, học viên. Đặc biệt, nhóm học tập trực tuyến “Xứ trà học AI” trên Facebook thu hút hơn 4.600 thành viên, hàng ngày chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng AI trong thực tiễn…
Sự phát triển của kinh tế số phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người dân và doanh nghiệp. Khi người lao động được trang bị kiến thức và kỹ năng số thì họ mới có thể tận dụng những cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Người dân có thể nắm bắt và áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường số, mở rộng cơ hội kinh doanh và tăng cường tính cạnh tranh.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển Năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025, Thái Nguyên đã đề ra các mục tiêu cụ thể, nội dung trọng tâm như phấn đấu đến cuối năm 2025, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia (giảng viên cấp tỉnh gồm 30 người) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại cho 3.000 cán bộ đào tạo nòng cốt của các sở, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng, Tổ công nghệ số cộng đồng. Phát triển học liệu số tích hợp vào các nền tảng số sẵn có để triển khai đào tạo trực tuyến. Xây dựng kho học liệu số góp phần hỗ trợ người dân học tập mọi lúc, mọi nơi để thực hiên mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản hoàn thành phổ cập năng lực số cho người lao động tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số và phát triển học liệu số. Phấn đấu 80% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện tỉnh Thái Nguyên. Phấn đấu 80% trở lên doanh nghiệp trong các khu công nghiệp triển khai Chương trình đào tạo công nghệ số cho người lao động ít nhất 01 giờ/tuần; trong đó có ít nhất 80% người lao động tham gia… Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên được đào tạo nâng cao năng lực số cơ bản; 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và 50% các trường trung học phổ thông có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và đào tạo kỹ năng số. Ít nhất 70% số người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực chủ yếu: Hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, thương mại, ngân hàng… Ít nhất 50% người có công với cách mạng và các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số và người vùng sâu, vùng xa được hướng dẫn tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ an sinh xã hội…