Phát triển thương mại điện tử tạo động lực thúc đẩy kinh tế số
2025-02-11 14:49:00.0
Thương mại điện tử là một trong những động lực của nền kinh tế số, do đó phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh, tận dụng được mọi nguồn lực đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bên cạnh đó, các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của công nghệ số trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.
Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Gian hàng sản phẩm Thái Nguyên trên sàn thương mại điện tử Shopee
Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới. Ngay trong những ngày đầu năm 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức sự kiện Khai trương gian hàng sản phẩm Thái Nguyên trên sàn Thương mại điện tử Shopee tại địa chỉ: https://shopee.vn/m/thainguyen. Mô hình gian hàng sản phẩm của tỉnh trên sàn thương mại điện tử là một mô hình mới, chưa có tiền lệ và Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên tiên phong triển khai mô hình này. Gian hàng sẽ trở thành “1 điểm dừng” (one-stop-shop) tổng hợp, giải quyết nhu cầu mua - bán trực tuyến về các sản phẩm của Thái Nguyên. Các gian hàng khi gom lại cùng nhau sẽ tạo ra giá trị tổng hợp, lan toả, nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu chung của tỉnh. Tất cả các sản phẩm tiềm năng của tỉnh đều có cơ hội hiện diện trên môi trường số, được tiếp cận thị trường toàn quốc và thị trường quốc tế. Chiến dịch này sẽ được tỉnh Thái Nguyên triển khai lặp đi lặp lại, cho đến khi việc bán hàng trên môi trường số trở thành mặc định trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết 30/6/2025, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm tiềm năng thiết lập và duy trì hiệu quả kênh bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Đến hết 30/11/2025, gian hàng cấp tỉnh của Thái Nguyên được thiết lập và vận hành hiệu quả trên sàn thương mại điện tử. Phấn đấu trong năm 2025, xuất khẩu sản phẩm Thái Nguyên ra thị trường quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử, trước mắt tập trung vào thị trường ASEAN; tham gia hiệu quả Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (ASEAN Online Sale Day) vào ngày 8 tháng 8 hằng năm. Chương trình hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH Shopee đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và hội nhập, góp phần xây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử mạnh mẽ, kết nối Thái Nguyên với các thị trường tiềm năng.
Nhằm phát triển bền vững thị trường TMĐT, thúc đẩy giao thương, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc triển khai Sàn Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ thainguyentrade.vn và gặt hái được nhiều thành công, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, tạo cơ hội liên kết giao thương, mở rộng quy mô phân phối, kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh đã được hỗ trợ và đưa lên Sàn phục vụ quảng bá và phát triển thương mại, tổng số sản phẩm có mặt trên Sàn là hơn 3.000 sản phẩm đa dạng, phong phú ở nhiều ngành hàng. Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh trong những năm qua đã được nghiên cứu, duy trì, vận hành, nâng cấp để bắt kịp xu thế, cụ thể như: tích hợp trên ứng dụng C-ThaiNguyen, phát triển để tương thích với các thiết bị di động (thiết bị cầm tay), tăng dung lượng băng thông đường truyền, khả năng tìm kiếm, dễ sử dụng, tìm nội dung thông tin nhanh nhất tích hợp những khả năng tìm kiếm, truy vấn thông tin với những tính năng mới ưu việt hơn. Điều này giúp người tiêu dùng giảm thời gian, chi phí có thể mua sản phẩm mình cần trực tiếp thông qua internet; tạo sự thuận lợi trong việc tìm mua sản phẩm qua ứng dụng thương mại điện tử, chỉ dẫn cho người tiêu dùng địa chỉ bán sản phẩm gần nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Đến nay sàn giao dịch TMĐT của tỉnh có hơn 300 đơn vị tham gia với trên 5 triệu lượt người truy cập. Sàn giao dịch TMĐT đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có điều kiện quảng bá thông tin hình ảnh của đơn vị mình với nhiều đối tượng không phụ thuộc vào vị trí địa lý, đồng thời góp phần đẩy mạnh hoạt động mua sắm của người dân thông qua mạng Internet; ngược lại các doanh nghiệp trong cả nước và quốc tế cũng có thể giới thiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, Thái Nguyên có 240 sản phẩm OCOP của tỉnh gồm 132 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao đã được quảng bá, giới thiệu tại sàn TMĐT, trong đó sản phẩm trà chiếm đa số, sản phẩm thực phẩm chế biến (miến, bún, thịt sấy, dầu ép…); sản phẩm là gia vị, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, may mặc, thiết bị,… đa dạng, phong phú. Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách nhanh hơn nên doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% đến 50%, đặc biệt có sản phẩm tăng doanh số từ 70% đến 100%. Theo thống kê, doanh số thương mại điện tử tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram…) ngày càng được mở rộng; tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT đạt gần 30%; phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ này sẽ đạt 50%. Sàn TMĐT Postmart và Vỏ sò đang hỗ trợ rất tích cực cho việc tiêu thụ nông sản, đặc sản của địa phương.
Để đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, các cấp, các ngành của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng website phù hợp với mô hình sản phẩm của từng đơn vị; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đưa các mặt hàng có chất lượng trên địa bàn tỉnh vào hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử, tham gia triển lãm trực tuyến, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ, hỗ trợ để các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế,… nhằm phát triển thương mại điện tử tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.