Phát triển xã hội số - Một trong ba trụ cột chuyển đổi số
2024-05-28 14:09:00.0
Xã hội số là một trong ba trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với chính quyền số và kinh tế số. Phát triển xã hội số với mục tiêu để mỗi người dân trở nên hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy các hoạt động xây dựng xã hội số một cách linh hoạt, sáng tạo.
Xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Các ngành, các cấp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) với tổng số 1.463.747 lượt tra cứu CCCD và có 1.299.315 lượt tra cứu thành công; số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để khám chữa bệnh là 1.225.295 CCCD; 100% công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia, tính đến nay đã có trên 2,7 triệu đơn thuốc liên thông; 78,51% người dân trong tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử…
Người dân thanh toán bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại
Nhiều ngành chức năng đã phối hợp hỗ trợ người dân tham gia sâu vào chương trình chuyển đổi số, nhất là tham gia sử dụng các nền tảng, dịch vụ số hữu ích cho đời sống tinh thần, phát triển kinh tế. Hiện tỉnh có 03 doanh nghiệp viễn thông (Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên) triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay có gần 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Tỉnh đã triển khai 107 chợ 4.0 đủ điều kiện, được tiểu thương và người dân hưởng ứng tích cực, qua đó giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm,… Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải… nhằm phát triển nền tảng xã hội số kết nối dịch vụ hành chính công, góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi số. Đối với chuyển đổi số trong giáo dục, tỉnh đã triển khai cấp chữ ký số tập trung của Ban Cơ yếu Chính phủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành giáo dục sử dụng trong hoạt động chuyên môn, theo đó đã cấp 204 chứng thư số sử dụng giải pháp ký số tập trung; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử,... các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã quan tâm đầu tư ứng dụng các phần cứng, phần mềm công nghệ thông tin nhằm thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, quản lý học liệu, thi cử theo phương thức hiện đại.
Đối với ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông, vận tải, hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang vận hành và triển khai 06 phần mềm được Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao (phần mềm Quản lý giấy phép lái xe, Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực vận tải, Dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi Giấy phép lái xe, Hệ thống giám sát hành trình, Hệ thống xử lý dữ liệu camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, Hệ thống quản lý bến xe) và 03 phần mềm do Sở Giao thông vận tải xây dựng (phần mềm Quản lý vận tải; phần mềm Quản lý xe, máy công trình; phần mềm Quản lý đào tạo lái xe).
Xã hội số đang mang lại những thay đổi sâu sắc đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Với người dân Thái Nguyên, chuyển đổi số không còn là câu chuyện xa lạ, nó đã len lỏi đến khắp các ngõ ngách của đời sống xã hội, đến vùng sâu, vùng xa làm thay đổi tư duy của cấp ủy chính quyền, thay đổi cách sống, cách nghĩ của mỗi người dân, doanh nghiệp, chủ động tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, sản xuất, kinh doanh để tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn.