CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp Thái Nguyên – Nền tảng cho phát triển bền vững

Fri Jul 04 13:40:00 GMT+07:00 2025

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Với vai trò là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xác định nông nghiệp không chỉ là trụ cột quan trọng mà còn phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Với vai trò là trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên xác định nông nghiệp không chỉ là trụ cột quan trọng mà còn phải trở thành ngành kinh tế hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. 

Với khoảng 70% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, Thái Nguyên có thế mạnh về chè, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chăn nuôi và thủy sản. Đặc biệt, thương hiệu chè Thái Nguyên với hơn 22.000 ha, sản lượng trên 273.000 tấn/năm đã khẳng định vị thế trên thị trường. Để phát triển bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số, hướng tới nền nông nghiệp thông minh. 

Số hóa vùng trồng và quản lý chất lượng

Một trong những giải pháp quan trọng là quản lý mã số vùng trồng để minh bạch thông tin và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đến nay, Thái Nguyên đã cấp 95 mã số vùng trồng với tổng diện tích 538 ha, trong đó 62 mã vùng dành cho cây chè, các mã còn lại cho cây ăn quả và rau màu an toàn.

Thông qua hệ thống số hóa, các hợp tác xã và hộ sản xuất được hướng dẫn ghi nhật ký điện tử trên nền tảng số, cập nhật thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua QR code, mà còn góp phần nâng cao ý thức sản xuất sạch, an toàn. 

Ứng dụng công nghệ IoT, AI trong sản xuất

Nhiều mô hình ứng dụng cảm biến IoT, AI được triển khai thí điểm để giám sát điều kiện đất, độ ẩm, dịch hại và dự báo năng suất. Dữ liệu thu thập được phân tích để đưa ra khuyến nghị kịp thời cho người nông dân, giúp tối ưu hóa việc sử dụng phân bón, nước tưới, hạn chế rủi ro sâu bệnh. Đặc biệt, trong sản xuất chè, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh sử dụng nền tảng VNPT-Green, cho phép nông dân ghi nhật ký điện tử và theo dõi thông tin sản xuất trên điện thoại. Giải pháp này tích hợp dữ liệu khí tượng, cảnh báo dịch hại, giúp giảm chi phí từ 5–7% và tăng năng suất khoảng 10–15%.

Hiện đại hóa chế biến và bảo quản

Trong lĩnh vực chế biến, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại như máy sao tự động, máy vò công nghệ cao và hệ thống sấy sử dụng năng lượng sạch. Những ứng dụng này giúp sản phẩm đạt chất lượng đồng đều, giữ nguyên hương vị tự nhiên và nâng cao giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản lạnh được áp dụng cho rau, quả và thủy sản, kéo dài thời gian lưu trữ nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Thúc đẩy thương mại điện tử và chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm

Thái Nguyên đang đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop,… góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP đã được giới thiệu trên môi trường số, gắn với chương trình livestream bán hàng, hội chợ trực tuyến. Các giải pháp truy xuất nguồn gốc qua mã QR và thử nghiệm blockchain trong chuỗi cung ứng được triển khai, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và đối tác xuất khẩu. Đây là hướng đi quan trọng để nâng cao tính minh bạch và bảo vệ thương hiệu nông sản Thái Nguyên.

Đào tạo và chuyển giao công nghệ

Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã triển khai 14 dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT, tập trung vào sản xuất hữu cơ, nông nghiệp thông minh, và mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đồng thời, hàng nghìn lượt nông dân, hợp tác xã được tập huấn kỹ năng số và kiến thức về TMĐT, giúp họ tiếp cận nhanh với công nghệ. 

Để phát huy kết quả đạt được, Thái Nguyên đề ra các mục tiêu cụ thể: Số hóa toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp, từ vùng trồng, sản xuất, chế biến đến phân phối; hoàn thiện hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về sản xuất nông nghiệp, tích hợp AI và IoT để dự báo thị trường, dịch hại; 100% sản phẩm OCOP, nông sản chủ lực tham gia TMĐT, gắn với mã QR và blockchain; đào tạo kỹ năng số cho 100% hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, hình thành đội ngũ nông dân số; xây dựng chuỗi giá trị gắn với công nghệ cao, nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị xuất khẩu. 

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là giải pháp giúp Thái Nguyên nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí mà còn là con đường tất yếu để hội nhập quốc tế. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của doanh nghiệp và người dân, nông nghiệp Thái Nguyên sẽ từng bước chuyển mình từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh, tạo dựng vị thế mới trên bản đồ nông sản Việt Nam và thế giới.

TT

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Thái Hoàng - Giám đốc

Địa chỉ: Phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn