CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Xây dựng chính quyền điện tử Thái Nguyên tổng thể, toàn diện, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững

2024-12-30 08:27:00.0

Thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Chính phủ: "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Thực hiện chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Chính phủ: "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững", Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng thiết thực, hiệu quả. 

Minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh trong quá trình chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên từ chỗ đứng thứ hơn 40 cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, thì sau khi Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống đã đưa Thái Nguyên có tên trên bản đồ chuyển đổi số Quốc gia. Đến nay, Thái Nguyên đã 2 năm liên tiếp xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI); là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số; Tỷ trọng giá trị gia tăng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 31,4% đứng thứ 3 toàn quốc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty cổ phần Misa ký kết hợp tác thúc đẩy kinh tế số

Có thể nói, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua đã tạo nên đột phá to lớn, mở ra không gian phát triển mới, tạo ra những giá trị mới, nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống cho người dân, làm thay đổi tổng thể và toàn diện công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống, cách làm việc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để đạt được những kết quả thể hiện tại những con số, chỉ số xếp hạng biết nói như trên, là sự nỗ lực, sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kết quả triển khai, thực hiện các lĩnh vực chính có thể kể đến như sau:

Nâng cao chất lượng hạ tầng số: Xác định Hạ tầng số là cái nền cho phát triển cung cấp dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy việc quan tâm phát triển, phổ cập hạ tầng cho tỉnh Thái Nguyên luôn là ưu tiên hàng đầu. Tháng 11/2024, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024-2025, xác định Thái Nguyên là một trong các tỉnh thành có chất lượng kết nối mạng tốt nhất Việt Nam; Thái Nguyên trở thành trung tâm dữ liệu của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Phát triển kinh tế số, xã hội số: Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ước tính cả năm 2024 là 711,6 nghìn tỷ đồng; Toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ 4.0 chợ thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 100% các chợ đủ điều kiện triển khai); Dịch vụ Mobile Money có hơn 513.400 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen đã có hơn 365.009 lượt; hơn 108.445 tài khoản đăng ký; 1.217 thông tin đăng tải; 3.981 phản ánh được tiếp nhận.

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06): Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 06, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, góp phần đưa Thái Nguyên là một trong các địa phương luôn dẫn đầu toàn quốc và được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác đảm bảo an toàn thông tin: Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Tổ chức giám sát an toàn thông tin 24/7 cho các Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.Tính đến nay, 744 hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và được cập nhật thông tin trên Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.

Triển khai các Kế hoạch đón đầu xu hướng với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn: Thái Nguyên đang sở hữu những lợi thế cơ bản trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó có ngành bán dẫn. Được biết đến là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước, Thái Nguyên có nền tảng về cở sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, đội ngũ cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm và trình độ cao. Một trong những nội dung cụ thể quan điểm của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chính là Kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vừa được ban hành. Qua đó xác định đào tạo 2.000 người có trình độ đại học, sau đại học; 500 người có trình độ cao đẳng; trên 2.000 người có trình độ trung cấp của các ngành công nghiệp bán dẫn, AI. 

Ngoài ra, tỉnh đã ban hành triển khai Kế hoạch “Bình dân học AI xứ Trà” trên địa bàn tỉnh. Với mục đích phổ cập công nghệ, xóa bỏ rào cản công nghệ đối với mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó giúp người dân nâng cao năng xuất lao động, cải thiện cuộc sống và tạo ra một cú hích quan trọng cho phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với quy mô 200 ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngày 04/12/2024, UBND thành phố Phổ Yên (đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền chủ trì lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình) tổ chức Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Tiếp theo, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh hồ sơ Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình theo quy định.

Phát huy những kết quả, thành tựu đạt được trong thời gian qua cho thấy Thái Nguyên đang sẵn sàng biến các tiềm năng thành lợi thế, đang nỗ lực chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành phương thức sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.

Trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, Thái Nguyên quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm để thực hiện thành công chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, bứt phá, nhất là xây dựng hạ tầng số hiện đại, nền kinh tế số rộng khắp, nhân lực số chất lượng cao, bảo đảm an ninh, an toàn mạng; tạo lợi thế cạnh tranh mới cho Thái Nguyên so với các địa phương khác, góp phần thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới./.

Phương Nga

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG

Chịu trách nhiệm nội dung: Vũ Đình Giang - Giám đốc

Địa chỉ: số 5, đường Nha Trang, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn