CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Triển khai mô hình chính quyền 2 cấp: Kinh nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh

2025-07-16 14:09:00.0

Trong tiến trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và được nhiều kết quả tích cực.

Trong tiến trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và được nhiều kết quả tích cực.

TPHCM tiên phong trong phát triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác KH&CN 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 ngày 14/7, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, đến nay, việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp của TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

TPHCM mới có diện tích tự nhiên hơn 6.772 km2, dân số hơn 14 triệu người với 15 cơ quan chuyên môn, giảm 6 cơ quan chuyên môn, giảm 28,5% so với trước khi sắp xếp; đơn vị hành chính cấp xã hiện có 168, giảm 61,9% so với trước khi sắp xếp.

Theo ông Lâm Đình Thắng, do có sự chuẩn bị từ sớm trên cơ sở xây dựng các kịch bản và tình huống giả định, TPHCM đã vận hành thành công trên 168 UBND phường, xã, đặc khu sau sắp xếp; đảm bảo hạ tầng đường truyền, triển khai vận hành nền tảng phụ vụ hội nghị trực tuyến, kết nối thành phố với cơ sở.

Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (DN) qua Cổng 1022, hệ thống quản lý văn bản điều hành cũng được triển khai hiệu quả.


Người dân nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận 6 , TPHCM, chiều 10/6. (Ảnh: SGGP)

Đặc biệt, Thành phố đã thực hiện cắt giảm và đơn giản hoá 298 TTHC, tiết kiệm được 1.944 ngày làm việc, tương đương với hơn 15.500 giờ làm việc.

Đối với các tiêu chí theo Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về 57, tính đến nay, Thành phố đã có 63% các xã, phường đạt mức "xanh", 35% các xã, phường đạt mức "vàng", Thành phố sẽ bắt đầu xanh hoá toàn bộ các xã trong tháng 7 này.

4 bài học kinh nghiệm quý

Từ thực tế triển khai, ông Lâm Đình Thắng cho biết TPHCM đã rút ra được 4 bài học kinh nghiệm quý.

Thứ nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất cùng với cơ chế kiểm tra, giám sát liên tục và sự hỗ trợ về chuyên môn kịp thời của các bộ, ngành để công tác phối hợp xử lý đạt hiệu quả cao, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong khoảng thời gian rất cấp bách.

Thứ hai, các đơn vị phải chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp liên tịch từ sớm. Ngay từ khi có chủ trương, TPHCM đã phối hợp với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Chuyển đổi số (CĐS) của Thành phố để xây dựng kế hoạch liên tịch và triển khai các phương án, nhiệm vụ ngay từ tháng 3/2025.

Nhờ vậy, TPHCM không bị động trong khâu tổ chức thực hiện khi kế hoạch hợp nhất tỉnh thành phố thay đổi so với mốc dự kiến ban đầu là tháng 9/2025.

Thứ ba, chia công việc ra các giai đoạn. Trong giai đoạn vừa qua, TPHCM đã tập trung nguồn lực vào các nền tảng, hạ tầng số thiết yếu.

"Chúng tôi xác định các hệ thống cốt lõi phải được ưu tiên hàng đầu để việc hợp nhất và đảm bảo vận hành không bị gián đoạn trên toàn thành phố như đường truyền Internet, hạ tầng CNTT, dữ liệu, các nền tảng số dùng chung".

Trên cơ sở đó, ông Lâm Đình Thắng cho biết: "Sở KH&CN đã tham mưu cho Thành phố kế hoạch tổ chức triển khai bao gồm 2 giai đoạn trước và sau khi sắp xếp. Trong đó, về mặt chuyên môn, huy động và tập hợp các đơn vị chuyên môn như Công ty Phần mềm Quang Trung, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, VNPost chủ động hỗ trợ các địa phương. TP.HCM cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đơn vị này trong thời gian vừa qua".

Thứ tư, củng cố sớm hệ thống nhân sự phụ trách về CĐS. Hàng ngàn cán bộ, công chức tại 168 phường, xã mới được tham gia các đợt tập huấn cấp tốc nhằm đảm bảo có thể sử dụng thành thạo các hệ thống ngay từ ngày đầu tiên vận hành mô hình mới.

"Sở KH&CN phối hợp với Hội Tin học Thành phố (HCA) tổ chức chương trình tư vấn CĐS cho UBND cấp xã. Sắp tới chúng tôi tiếp tục phát triển chương trình này theo các nhóm, lĩnh vực chuyên sâu để nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng về CĐS cho cán bộ tại các UBND cấp xã", ông Lâm Đình Thắng chia sẻ thêm.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, TPHCM vẫn đối mặt với không ít thách thức trong quá trình triển khai mô hình hai cấp. Đó là thời gian triển khai ngắn, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi vừa triển khai vừa điều chỉnh linh hoạt các tình huống phát sinh; hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở làm việc tại địa phương sau sáp nhật chưa đồng bộ.

Trong khi đó, tâm lý cán bộ một số trường hợp bị ảnh hưởng do thay đổi địa bàn công tác, thay đổi vị trí, chức danh, thậm chí là nghỉ việc; hạ tầng số, công tác thực hiện CĐS tại một số trường hợp chưa đồng bộ, thiếu kịp thời.

Về mặt công nghệ, thách thức lớn nhất trong quá trình sáp nhập là việc đồng bộ và hợp nhất cơ sở dữ liệu từ nhiều hệ thống phân mảng trước đây, đặc biệt là các dữ liệu chuyên ngành như là hộ tịch, cấp giấy phép kinh doanh, thuế, dân cư,...

"Việc này rất cần sự kết nối, điều phối của Bộ KH&CN và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan Trung ương, bộ, ngành để thực hiện chuẩn hoá, đảm bảo vận hành ổn định trong thời gian sắp tới", Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho hay.

Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiệu quả

Trong bối cảnh đó, TPHCM xác định một số nhiệm vụ trong tâm trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, đầu tiên là TPHCM phải hoàn thành tất cả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 57, Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Hai là Thành phố phải hoàn thiện các hệ thống dùng chung và các hệ thống chuyên ngành theo Kiến trúc chính phủ 4.0, theo hướng dẫn của Bộ KH&CN về mô hình chính quyền số 2 cấp, tăng cường đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống của Thành phố.

Ba là Thành phố sẽ đầu tư, nâng cấp nhanh, hiện đại hạ tầng CNTT tại các UBND cấp xã, Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp xã; tái cấu trúc TTHC, khai thác dữ liệu, mở rộng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC để thực hiện TTHC phi địa giới ngay trong tháng 8.

Bốn là tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức, xem đây là lực lượng then chốt để vận hành hiệu quả chính quyền số cấp cơ sở,

Năm là đẩy mạnh phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công tác dự báo, điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu; đồng thời nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình bản sao số (digital twin) tại một số xã, phường để phục vụ các bài toán phát triển đô thị thông minh.

Sáu là thúc đẩy kinh tế số toàn diện. Theo ông Lâm Đình Thắng, Sở KH&CN đã thành lập mới phòng kinh tế số - xã hội số với chức năng nhiệm vụ là đầu mối tham mưu đẩy nhanh kinh tế số trên toàn địa bàn.

Phổ biến kinh nghiệm trong nước, quốc tế để địa phương triển khai

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao Sở KH&CN TPHCM đã triển khai tốt các công tác về chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó có việc triển khai đô thị thông minh, bản sao số.

Bộ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ cần cập nhật các thông tin, kinh nghiệm quốc tế, trong nước liên quan về các lĩnh vực quản lý của Bộ, bắt đầu với câu chuyện đô thị thông minh, bản sao số giúp các địa phương tự tin triển khai. Đây là một hoạt động quản lý nhà nước rất thiết thực./.


https://ictvietnam.vn/trien-khai-mo-hinh-chinh-quyen-2-cap-kinh-nghiem-tu-thanh-pho-ho-chi-minh-70288.html

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Thái Hoàng - Giám đốc

Địa chỉ: Phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn