CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Đẩy mạnh truyền thông về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở Thái Nguyên

2025-07-16 09:19:00.0

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS của tỉnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong tiến trình này, truyền thông đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trở thành động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS của tỉnh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong tiến trình này, truyền thông đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. 

Những năm gần đây, công tác truyền thông về khoa học, công nghệ (KH&CN) và chuyển đổi số (CĐS) ở Thái Nguyên có bước phát triển rõ rệt với nhiều đổi mới trong cách thức triển khai. Các cơ quan báo chí của tỉnh như Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương đã đồng loạt mở chuyên trang, chuyên mục, phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách; giới thiệu mô hình, giải pháp công nghệ ứng dụng trong thực tiễn đời sống, sản xuất. Bên cạnh các kênh truyền thống, tỉnh đã khai thác mạnh mẽ các nền tảng số như Fanpage, Zalo OA, Youtube,... để mở rộng phạm vi tiếp cận; nhiều video ngắn, infographic, bản tin điện tử về lợi ích dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng an toàn số được lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều sự kiện truyền thông quy mô lớn như: Ngày Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên (31/10 hàng năm), các hội thảo chuyên đề về kinh tế số, chính quyền số, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,... Những hoạt động này tạo điều kiện để truyền thông lan tỏa mạnh mẽ thông điệp chuyển đổi số vì lợi ích toàn dân, đồng thời khích lệ cộng đồng doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia. 

Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức về khoa học, công nghệ (KH&CN) và chuyển đổi số (CĐS) trong cộng đồng được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tăng nhanh, người dân chủ động hơn trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký đất đai, nộp thuế và khai báo y tế điện tử, cụ thể: năm 2024, số hồ sơ đất đai thực hiện qua Cổng dịch vụ công đạt hơn 82%, tăng gần 30% so với năm 2022; lĩnh vực thuế cũng ghi nhận hơn 96% doanh nghiệp nộp tờ khai và thanh toán thuế điện tử; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và nhiều cơ sở y tế tuyến huyện triển khai thành công khai báo y tế điện tử, đặt lịch khám trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt, giúp giảm trung bình 40% thời gian chờ đợi của bệnh nhân;... Trong khối doanh nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại đã xuất hiện như Công ty CP TNG triển khai hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP, phần mềm quản lý đơn hàng và ứng dụng IoT vào dây chuyền may mặc, giúp tăng năng suất 15-20%; Công ty Samsung Electronics Thái Nguyên vận hành dây chuyền sản xuất thông minh, tích hợp AI trong kiểm soát chất lượng. Ở lĩnh vực nông nghiệp, nhiều hợp tác xã chè tại Tân Cương áp dụng hệ thống cảm biến IoT để giám sát độ ẩm đất, thời tiết, kết hợp phần mềm phân tích dữ liệu lớn nhằm tối ưu quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm... Những mô hình này được báo chí và các nền tảng truyền thông số của tỉnh giới thiệu rộng rãi, trở thành điển hình nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Theo Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 16/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ, công tác thông tin, truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Không chỉ cung cấp thông tin, truyền thông còn giữ vai trò định hướng nhận thức, hình thành thói quen và hành vi số trong toàn xã hội, do đó thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông hiện đại, đa nền tảng, gắn với nhu cầu thực tiễn của người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động nổi bật như: tăng cường tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội; xây dựng nội dung số hấp dẫn về dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử; phát triển đội ngũ truyền thông số tại cơ sở; tổ chức các cuộc thi, sự kiện trải nghiệm chuyển đổi số cho cộng đồng. Đồng thời, tỉnh sẽ phát huy sức mạnh của các kênh truyền thanh cơ sở, kết hợp công nghệ để thông tin nhanh, chính xác, thân thiện với người dân vùng nông thôn, miền núi. Khi mỗi người dân và doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích, sẵn sàng tham gia, công cuộc chuyển đổi số và phát triển KH&CN sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của vùng trung du miền núi phía Bắc.

TT

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Thái Hoàng - Giám đốc

Địa chỉ: Phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn