Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình: đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế
2025-03-26 16:17:00.0
Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là chủ trương được Chính phủ, Bộ Y tế hiện thực hóa bằng các đề án, nghị định, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả, công bằng cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Cùng với cả nước những năm qua, bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng lộ trình triển khai đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Bệnh viện đã trở thành đơn vị thứ 105 trên toàn quốc triển khai và hoàn thành bệnh án điện tử (BAĐT).
Người dân sử dụng thẻ căn cước công dân để lấy số thứ tự khám tại cây Kiosk.
Chuyển đổi số trong các bệnh viện chính là “chìa khoá” mở ra các cơ hội để nâng cao chất lượng việc khám, chữa bệnh và gia tăng các trải nghiệm, sự hài lòng cho người dân…, đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển ngành y tế ngày một thông minh, bền vững. Từ năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng công nghệ thông tin nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình vẫn quyết tâm thực hiện triển khai BAĐT, tạo bước đột phá quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị.
Đăng ký khám - chữa bệnh sử dụng sinh trắc học bằng Kiosk tự phục vụ là 1 trong 16 mô hình nằm trong nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội thuộc Đề án 06 của Chính phủ, dựa trên nền tảng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID và được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm xác thực thông tin công dân. Từ nay, người dân khi đến khám chữa bệnh (KCB) tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc quét mã trên VSSID, VNeID. Với ưu điểm giúp tiết kiệm thời gian, tránh xếp hàng chờ đợi và giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân, thay vì phải đến quầy đăng ký để đăng ký khám bệnh, bệnh nhân có thể sử dụng kiosk để đăng ký khám một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Sau khi bấm số thứ tự tại máy Kiosk, người bệnh ngồi ghế chờ đến lượt để được gọi vào khám. Tất cả thông tin về người bệnh đều được cập nhật trên hệ thống nội bộ của Bệnh viện.Với nhân viên y tế và bệnh viện, Kiosk giúp tăng cường hiệu suất làm việc và giảm thiểu sai sót; các y - bác sĩ có thể chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám bệnh của bệnh nhân nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn. Việc triển khai BAĐT cũng giúp giảm chi phí hành chính, chi phí vật tư tiêu hao, giảm thiểu nhân lực trong mọi hoạt động của Bệnh viện; tạo điều kiện liên thông dữ liệu của bệnh nhân giữa các bệnh viện, giảm chi phí phát sinh, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế….
Bệnh viện Đa khoa Phú Bình là bệnh viện hạng II. Đơn vị hiện có 13 khoa phòng chức năng, 1 tổ cận lâm sàng, 1 tổ kiểm soát nhiễm khuẩn và 1 khu điều trị phong. Bệnh viện có 177 cán bộ, 285 giường bệnh chỉ tiêu (311giường bệnh thực tế). Bệnh viện có hệ thống xét nghiệm, chụp cắt lớp 32 dãy, hệ thống siêu âm mầu 4 chiều, hệ thống nội soi tiêu hoá dạ dày tá tràng, đại tràng mới tiên tiến, hiện đại trong khu vực. Với số lượng trung bình trên 300 bệnh nhân đến khám và khoảng 280 lượt bệnh nhân điều trị mỗi ngày, BAĐT đã giúp Bệnh viện giảm thiểu các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho người bệnh cũng như nhân viên y tế, từ quá trình đón tiếp đến việc khám, chẩn đoán, điều trị. Trong những năm qua, Bệnh viện đã không ngừng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn và một số địa phương lân cận.
Chuyển đổi số y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người dân, đặc biệt là trong các khía cạnh về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế và khả năng tự chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong thời gian tới. Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho phát triển các chuyên khoa hiện có, áp dụng tối thiểu từ 3-5 kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới trong chẩn đoán và điều trị, nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.