Chuyển đổi số - liều vắc-xin hiệu quả
2025-04-22 10:18:00.0
Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được kỳ vọng là chiếc "đũa thần" giải quyết bài toán tăng trưởng chậm và năng suất thấp. Ở nhiều quốc gia, đó cũng là công cụ quan trọng để xử lý tình trạng lãng phí nguồn lực - căn bệnh kinh niên của khu vực công.
Được đầu tư hơn 16 tỷ đồng nhưng trường THCS Hương Quang (Vũ Quang, Hà Tĩnh) chưa một lần đón học sinh, hiện rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: TRỌNG TÙNG
Trong giai đoạn phát triển mới, với trọng tâm là thúc đẩy khoa học-công nghệ và chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống lãng phí là yêu cầu tất yếu. Là quốc gia đi sau, Việt Nam có cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm thành công của nhiều nước đi trước trong lĩnh vực này.
Trước hết, cần hiểu rằng lãng phí không chỉ là thất thoát tiền bạc. Nó còn bao gồm sự trì trệ, chồng chéo, dư thừa và kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực xã hội. Đó có thể là những dự án đầu tư công kéo dài hàng chục năm, thiết bị y tế đắp chiếu, hay những thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp tốn hàng triệu giờ công. Ở góc độ này, chuyển đổi số - thông qua tự động hóa quy trình, minh bạch hóa dữ liệu, và tăng cường giám sát - đóng vai trò như một liều “vắc-xin” phòng ngừa lãng phí.
Chuyển đổi số sẽ làm tăng tính minh bạch và giảm sự can thiệp chủ quan trong quá trình ra quyết định. Thứ hai, nó giúp tiếp cận dữ liệu dễ dàng hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát, đánh giá. Thứ ba, chuyển đổi số giúp đơn giản hóa quy trình xử lý công việc, cắt giảm thủ tục rườm rà và các chi phí không cần thiết.
Estonia - quốc gia từng là một phần của Liên Xô - là tấm gương sáng về chuyển đổi số. Với hệ thống X-Road cho phép liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước và tư nhân, 99% dịch vụ công của nước này được cung cấp trực tuyến 24/7. Theo báo cáo của Liên minh châu Âu, Estonia tiết kiệm khoảng 2% GDP mỗi năm nhờ giảm chi phí hành chính và ngăn chặn lãng phí.
Ở châu Á, Singapore đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để quản lý chi tiêu công. Từ năm 2000, Chính phủ Singapore đã xây dựng hệ thống GeBIZ, nền tảng mua sắm công trực tuyến một cửa cho tất cả các cơ quan chính phủ. Tất cả các gói thầu đều phải thông qua hệ thống này, tạo ra môi trường cạnh tranh và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhờ đó, Singapore liên tục nằm trong top đầu của Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) và duy trì năng lực quản lý chi tiêu hiệu quả.
Australia cũng thiết lập hạ tầng số toàn diện. Họ xây dựng Data.gov.au - một kho dữ liệu mở cho phép người dân và các tổ chức xã hội tiếp cận thông tin chi tiêu công. Cổng thông tin myGov là điểm truy cập duy nhất cho tất cả dịch vụ công, giúp người dân dễ dàng tương tác với chính phủ và giảm thủ tục giấy tờ. Chính phủ Australia dự kiến sẽ tiết kiệm được hơn 12 tỷ USD, đồng thời giúp người dân giảm tới 800 triệu giờ làm thủ tục trong 10 năm tới nhờ chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu. Trong vài năm trở lại đây, nhiều chính sách lớn đã được ban hành như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06), hay Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Một số nền tảng số bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Cổng Dịch vụ công quốc gia tích hợp hơn 4.000 thủ tục hành chính, giúp hàng triệu người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Bộ Tài chính ước tính con số tiết kiệm được là khoảng 6.500 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc, triển khai từ năm 2022, đã giúp ngành thuế thu hẹp “vùng xám” trong giao dịch kinh tế, giảm thất thu ngân sách.
Tuy vậy, quá trình này không tránh khỏi những rào cản. Sự thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương khiến dữ liệu bị “cát cứ”, tạo ra tình trạng chuyển đổi số nửa vời. Đơn cử như nhiều cơ quan đã xây dựng cổng dịch vụ công riêng nhưng không kết nối với hệ thống chung, dẫn đến tình trạng “chuyển đổi số trên giấy” - người dân và doanh nghiệp vẫn phải tốn thời gian trực tiếp xử lý, dù đã hoàn thành hồ sơ trực tuyến. Thêm vào đó, công tác chuyển đổi số cũng chưa được quan tâm đúng mức. Chi ngân sách cho chuyển đổi số ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 0,3% tổng chi - thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (2-3%) và so Singapore (4-5%).
Để chuyển đổi số trở thành công cụ thật sự hiệu quả, cần đặt nó trong một hệ thống quản trị minh bạch, có trách nhiệm giải trình và cơ chế giám sát độc lập. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công nghệ không thay thế con người, hay những thiết chế do con người đặt ra. Nếu không đi kèm cải cách thể chế - đặc biệt là cải cách hành chính, phân quyền dữ liệu và bảo đảm quyền giám sát của người dân - chuyển đổi số dễ trở thành cuộc chơi công nghệ tốn kém mà không mang lại hiệu quả thực chất. Bởi vậy, cần lồng ghép có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số với các yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước đang diễn ra - tinh gọn đến đâu thì chuyển đổi số đến đó.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để ứng dụng công nghệ số vào quản lý công. Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là con đường duy nhất để phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chuyển đổi số sẽ không tự giải quyết mọi vấn đề, nhưng nếu được triển khai đúng cách, có thể biến lãng phí thành động lực cho đổi mới, và biến bộ máy hành chính trì trệ thành một cỗ máy vận hành trơn tru vì lợi ích chung.
https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-lieu-vac-xin-hieu-qua-69493.html