Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
2025-04-21 14:23:00.0
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong tỉnh, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong quá trình triển khai là việc ứng dụng nền tảng số GapoWork để theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả.
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số
Với mục tiêu minh bạch hóa và tăng tốc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai hệ thống GapoWork. Nền tảng này đã tạo ra một hệ thống quản lý dữ liệu tập trung, từ đó giúp việc giám sát, rà soát và triển khai chương trình diễn ra thuận lợi, chặt chẽ.
Trong quá trình kiểm tra công tác triển khai cập nhật thông tin trên nền tảng GapoWork phục vụ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 8/9 huyện, thành phố; qua đó nắm bắt được tình hình triển khai và tiến độ cập nhật thông tin tại các địa phương. Hiện tại, Thái Nguyên đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 95,39% số hộ đủ điều kiện, phấn đấu sẽ về đích trước ngày 30/4/2025.
Tính đến ngày 10/4/2025, đã có 1.482/1.482 hồ sơ cập nhật trên hệ thống (đạt 100%). Các hồ sơ được cập nhật đầy đủ thông tin theo hướng dẫn, giúp lãnh đạo tỉnh và các địa phương theo dõi chính xác tiến độ nhằm đảm bảo chương trình được triển khai hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.
Đoàn công tác của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông - Sở Khoa học công nghệ tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc cập nhật thông tin, báo cáo tiến độ phục vụ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên nền tảng Gapo Work tại thành phố Phổ Yên.
Xóa nhà tạm - Bước đi quyết tâm
Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là nhiệm vụ xây dựng hàng ngàn căn nhà kiên cố, mà còn là hoàn thiện hạ tầng an sinh, giúp người dân "an cư lạc nghiệp", tạo điều kiện để họ vươn lên phát triển kinh tế. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà ở, Chương trình còn tạo động lực mạnh mẽ cho các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Những ngôi nhà mới là nền tảng để người dân ổn định cuộc sống, đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa, một hộ dân tại huyện Đại Từ, chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà tạm bợ, mỗi mùa mưa bão lại lo sợ dột nát. Giờ đây, với căn nhà mới, chúng tôi không còn nỗi lo đó nữa, có thể yên tâm làm ăn, lo cho con cái học hành."
Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, Chương trình còn nhận được sự chung tay đóng góp từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các mạnh thường quân. Những hoạt động thiết thực như trao kinh phí hỗ trợ, vật liệu xây dựng, ngày công lao động đã góp phần đưa chương trình đi vào thực tế, nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Hướng đến mục tiêu hoàn thành 100% nhà mới
Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh trước thời hạn. Đồng thời, Sở cũng tổng hợp các kiến nghị, đề xuất từ cơ sở để báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng và ứng dụng công nghệ hiệu quả, Thái Nguyên chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát xong trước ngày 30/4/2025 mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân./.