Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho Hợp tác xã và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
2025-05-28 10:00:00.0
Ngày 26/5, tại tỉnh Thái Nguyên, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho HTX và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày và thảo luận các nội dung về một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện “Xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX; giải pháp kết nối cổng thanh toán ngân hàng với chợ sản phẩm trực tuyến; giải pháp kết nối cổng vận chuyển hàng hoá với chợ sản phẩm trực tuyến; kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài; thuận lợi và khó khăn trong việc tham gia hoạt động thương mại điện tử và chợ sản phẩm trực tuyến của Liên minh HTX Việt Nam; phổ biến quy chế, điều khoản - chính sách Chợ sản phẩm trực tuyến của Liên minh HTX Việt Nam;…
Tại tỉnh Thái Nguyên, khối kinh tế tập thể, HTX đang hoạt động tích cực với 840 HTX và gần 4.600 tổ hợp tác. Các HTX trên địa bàn tỉnh có 313 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, trong đó có 149 sản phẩm đạt 3 sao, 89 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành kế hoạch lộ trình thực hiện vận hành Chợ điện tử cho từng giai đoạn và triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, Liên minh HTX đã tập trung tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm/dich vụ cho các HTX vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ các nội dung kỹ thuật tổ chức quản lý, kỹ thuật chế biến, kỹ thuật canh tác, trồng trọt, kỹ thuật, phát triển sản phẩm OCOP, tích hợp đa giá trị, vận hành cho từng đối tượng, nhóm HTX, nhóm nghành nghề, lĩnh vực; tổ chức 20 khóa đào tạo để nâng cao năng lực của các HTX để tiếp cận và làm quen với môi trường điện tử, mạng xã hội với các nội dung về kỹ năng livestream, maketing số online; ứng dụng AI trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, bao bì, thương hiệu, kỹ năng viết content, kỹ năng chup ảnh, kỹ năng quay video ngắn; kỹ năng tổ chức 1 phiên live, khởi tạo gian hàng online; wedsite và vai trò trong vận hành chợ điện tử, cách đăng sản phẩm trên các sàn shopee, tiktok, cách sử dụng các công cụ hỗ trợ...; tổ chức 30 phiên chợ Livestream trực tuyến nông sản và 22 phiên live trực tiếp tại các HTX; thúc đẩy các hoạt động của hơn 80 phòng livestream trực tuyến của các HTX/DN thành viên; tập hợp và xây dựng 1 Nhóm Team nông sản gồm 10 người để hỗ trợ các hoạt động số trong quản lý và bán hàng đến từ các KOL, Giám đốc các HTX…
Các đại biểu bấm nút khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho các HTX và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã bấm nút khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho các HTX và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Liên minh HTX Việt Nam (vcamart.com và vcamart.com.vn). Theo đó, người mua hàng có quyền lựa chọn hàng hóa dịch vụ, quyền được cung cấp thông tin minh bạch, được khiếu nại và bảo vệ quyền lợi cũng như đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, đồng thời có quyền đánh giá, nhận xét sản phẩm. Chợ cũng có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người bán hàng cũng như những mặt hàng bị cấm hoặc hạn chế trên không gian Chợ theo quy định của pháp luật.