CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may 

2025-07-01 08:06:00.0

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các  doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và ngành dệt may cũng không nằm ngoài xu thế này. Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dệt may có nhiều cơ hội bứt phá nhờ vào việc ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa vận hành và gia tăng giá trị sản xuất. Tại Thái Nguyên, việc định hướng phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây chính là yếu tố then chốt nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và từng bước hình thành hệ sinh thái dệt may thông minh, bền vững và hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các  doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực và ngành dệt may cũng không nằm ngoài xu thế này. Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, dệt may có nhiều cơ hội bứt phá nhờ vào việc ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa vận hành và gia tăng giá trị sản xuất. Tại Thái Nguyên, việc định hướng phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây chính là yếu tố then chốt nhằm nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và từng bước hình thành hệ sinh thái dệt may thông minh, bền vững và hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.


Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai mô hình doanh nghiệp may mặc điển hình thực hiện số hóa, xanh hóa, tự động hóa, thông minh tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may tỉnh Thái Nguyên, ngày 29/5/2025

Tính đến nay, toàn tỉnh có 35 doanh nghiệp sản xuất trong ngành may mặc, với tổng số lao động trên 32.000 người, trong đó có 11 đơn vị có giá trị xuất khẩu sản phẩm may mặc. Tính riêng trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt trên 523 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2023; sản phẩm may đạt trên 116 triệu sản phẩm, tăng 9,4% và bằng 100,9% kế hoạch năm. Trong 4 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu may đạt 182,7 triệu USD; tăng 7,4% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Canada, Trung Quốc, Colombia, Đức, Pháp, Nga, Mỹ, Malaysia, Singapore, Trung Quốc…

Một số doanh nghiệp đóng góp tỷ trọng lớn trong giá trị xuất khẩu sản phẩm may mặc như Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TDT, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thagaco, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội. Đây là những đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Từ việc đầu tư dây chuyền may tự động, cắt vải theo lập trình và quản lý sản xuất theo thời gian thực bằng các hệ thống ERP, MES đến việc áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing, bao gồm sơ đồ chuyền tối ưu, kỹ thuật cân bằng chuyền, chuyển chuyền nhanh, ứng dụng dây chuyền treo, tự động hoá góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu lãng phí và quản lý vòng đời sản phẩm (PLM). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang từng bước tiếp cận mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory) thông qua việc tích hợp AI trong khâu kiểm soát lỗi sản phẩm và IoT trong quản lý chuỗi cung ứng. Việc truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu, tự động hóa quản lý sản xuất và cải thiện tính minh bạch giúp gia tăng độ tin cậy từ thị trường quốc tế. Những bước đi này đã góp phần củng cố vị thế của doanh nghiệp Thái Nguyên trên bản đồ xuất khẩu dệt may quốc tế. 

Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may đã nhận được sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 30/4/2025 của UBND tỉnh về việc phát triển đột phá khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực dệt may tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may đổi mới và chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm mới; ứng dụng công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) trong sản xuất, quản trị và marketing, thương mại hoá sản phẩm. Các công nghệ mới được triển khai như: tự động hóa sản xuất (robot, AGV), hệ thống quản lý sản xuất thông minh (MES), công nghệ thiết kế 3D, blockchain trong truy xuất nguồn gốc… nhằm nâng cao năng lực dự báo, lập kế hoạch và quản trị vận hành. Song song với các giải pháp công nghệ, Sở còn hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may trong một số hoạt động cụ thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đổi mới và phát triển, như đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế) tại Việt Nam và nước ngoài; tham gia Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021-2030; Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc…; tham gia các chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia, các quỹ khoa học công nghệ; hỗ trợ kết nối cung cầu và chuyển giao công nghệ; tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên sâu về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho cán bộ, doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang mở ra những hướng đi chiến lược mới cho ngành dệt may Thái Nguyên, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc ngành hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thông qua các mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, ngành dệt may tỉnh nhà đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại, thông minh, tiến gần hơn tới mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất hiện đại, đóng vai trò kết nối trong chuỗi cung ứng dệt may khu vực và từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường và chuyển đổi xanh.

MC

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Vũ Đình Giang - Giám đốc

Địa chỉ: số 5, đường Nha Trang, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn