CHUYỂN ĐỔI SỐ

THÁI NGUYÊN

Mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số

Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

2025-05-07 09:35:00.0

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ rõ “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Trong đó xác định nội dung “phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là một trong bảy nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chỉ rõ “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Trong đó xác định nội dung “phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là một trong bảy nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện Nghị quyết.

Đại diện Đại học Seoul Cyber và Đại học Thái Nguyên ký kết hợp tác triển khai Đại học số, trong đó đào tạo nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là nội dung trọng tâm

Trong dòng chảy của thời đại chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn lực quyết định tốc độ và chiều sâu phát triển của mỗi địa phương không còn là tài nguyên thiên nhiên hay cơ sở hạ tầng, mà chính là nguồn nhân lực chất lượng cao – những con người có tri thức, sáng tạo và khát vọng bứt phá. Với nỗ lực trở thành tỉnh tiên phong về chuyển đổi số và phát triển bằng chuyển đổi số, Thái Nguyên đặt mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ đào tạo 2.000 người trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI trong và ngoài nước; trong đó khoảng 1.000 người phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn và 1.000 người lĩnh vực công nghệ thông tin, AI; 500 người trình độ cao đẳng, trong đó khoảng 300 người các ngành, nghệ phục vụ công nghiệp bán dẫn và 200 người các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin, AI; trên 2.000 người trình độ trung cấp, trong đó có khoảng 1.000 người các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người các ngành, nghề phục vụ công nghệ thông tin, AI. Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm Thái Nguyên đào tạo gần 100.000 lao động, không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác. Trong đó, Đại học Thái Nguyên là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở, phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn theo Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ. Việc đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI đang được triển khai thực hiện tại 03 trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, và Đại học Khoa học. 

Nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn nhân lực để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực quan trọng, yếu tố then chốt tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 16/4/2025. Với vai trò chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện việc phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo (AI) cho toàn bộ lực lượng lao động của tỉnh theo Kế hoạch số 237-KH/UBND ngày 13/12/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình “Bình dân học AI” giai đoạn 2024-2025 tại tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục tăng cường triển khai các nhiệm vụ của Đề án phát triển Năng lực số tỉnh Thái Nguyên năm 2025; khai thác các nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà do Bộ, ngành Trung ương triển khai về địa phương để cung cấp miễn phí kiến thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số cơ bản cho người dân, doanh nghiệp… Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó chú trọng các nội dung: Triển khai các nền tảng số trong quản lý và dạy học, triển khai giáo dục STEM, triển khai học bạ số, đảm bảo an toàn thông tin tại các nhà trường theo lộ trình, đảm bảo khoa học, khai thác hiệu quả, đúng quy định; đưa AI vào hoạt động quản lý, dạy học, giáo dục của các nhà trường phổ thông… Sở Nội vụ căn cứ các quy định hiện hành, rà soát, tham mưu thực hiện chính sách đặc thù thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ và trọng dụng nhân lực chuyển đổi số làm việc tại các cơ quan nhà nước, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, phù hợp theo đặc thù lĩnh vực, địa phương;… 

Đối với Đại Học Thái Nguyên, thực hiện triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ chiến lược; các chương trình đào tạo, đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật viên, đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; tập trung vào các nội dung đào tạo sau: (1) Nhân lực trong lĩnh vực đồ họa số, sáng tạo nội dung số, nghệ thuật số; (2) Nhân lực trong lĩnh vực phần mềm; (3) Nhân lực trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp; (4) Nhân lực trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái; (5) Nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn; (6) Đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên. Phát triển mạng lưới giảng viên, nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học quốc tế theo các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược….

Với sự chủ động đi trước một bước trong đào tạo nguồn nhân lực, Thái Nguyên quyết tâm biến những tiềm năng thành thế mạnh, thực hiện mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước và trở thành một trong những trung tâm nhân lực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo toàn cầu vào năm 2030.  

TT (t.h)

Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên

TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỂN THÔNG TỈNH THÁI NGUYÊN

Chịu trách nhiệm nội dung: Vũ Đình Giang - Giám đốc

Địa chỉ: số 5, đường Nha Trang, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Điện thoại: 0208.3501.260 - Fax: 0208.3501.260 - Email: cds@thainguyen.gov.vn