Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
2025-05-18 09:10:00.0
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Thái Nguyên
Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Thái Nguyên có các thành viên Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh; đại diện Công ty Điện lực Thái Nguyên, Bưu điện tỉnh, Viễn thông Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, cùng 3 Quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 được kiện toàn trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của cả nước tháng 4 đạt 50,4%. Trong đó, các Bộ, ngành đạt trung bình 43,09%; các địa phương đạt trung bình 50,6%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số các TTHC có phát sinh hồ sơ là 50,65%. Trong đó, các Bộ, ngành đạt trung bình 44,72%; các địa phương đạt trung bình 50,77%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết TTHC trung bình cả nước đạt 39,46%. Trong đó, các Bộ, ngành đạt trung bình 51,82%; các địa phương đạt trung bình 14,58%.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.525 dịch vụ công trực tuyến; tháng 4 có hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về kinh tế số, tổng doanh số toàn thị trường Thương mại điện tử Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2025 đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với quý I/2024. Tuy vậy, số lượng nhà bán có phát sinh đơn hàng lại ghi nhận mức giảm đáng kể, chỉ còn 472,5 nghìn shop, giảm 7,45%, tương đương hơn 38.000 shop rời khỏi cuộc chơi so với cùng kỳ (quý I/2025, số liệu chỉ thống kê trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop). Shopee và TikTok Shop lần lượt chiếm 66,7% và 26,9% thị phần giao dịch (GMV) trong 4 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành. Trong khi, Lazada và Tiki đến cuối năm ngoái còn nắm lần lượt 5,5% và 0,9% thị phần.
Doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 423.378 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với tháng 3/2025 và tăng trưởng 44,41% so với cùng kỳ năm 2024. Giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 373.242 tỷ đồng (tương đương 14,540 tỷ USD), tăng trưởng khoảng 10% so với tháng 3/2025 và tăng trưởng 51,72% so với cùng kỳ năm 2024...
Về phát triển xã hội số, đến nay, tổng số Chứng thư chữ ký số đã cấp tính đến ngày 12/5/2025 là 17.175.876 chứng thư chữ ký số.
Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ gắn với đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể; tăng cường hợp tác công tư huy động nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thần tốc, táo bạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; quan tâm kiểm tra giám sát gắn với xử lý các vấn đề phát sinh nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh 3 đột phát chiến lược số gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số. Tiếp tục quan tâm công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong giai đoạn mới. Rà soát và đề ra các giải pháp hiệu quả để tạo bước đột phá mạnh mẽ trong triển khai chương trình CCHC năm 2025; tập trung tháo gỡ các rào cản, nhất là về thể chế để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, qua đó cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, trong đó người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đôn đốc, kiểm tra trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và Đề án 06.