Sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị: Những kết quả nổi bật và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
2025-07-17 15:10:00.0
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với cách tiếp cận toàn diện, hành động quyết liệt và đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị thế, tạo nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành dự Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 tại điểm cầu Thái Nguyên, ngày 02/7/2025
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết và là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện nhiệm vụ này. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 02 phiên họp toàn thể với 19 hội nghị, hội thảo chuyên đề trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Theo Hệ thống giám sát, đánh giá, tỉnh đã hoàn thành 33/67 nhiệm vụ Trung ương giao, trong đó 13 nhiệm vụ vượt tiến độ.
Trong tiến trình triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh xác định hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính nền tảng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các văn bản không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo. Công tác này được triển khai thường xuyên, bám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và hiệu lực trong quản lý nhà nước. Kết quả bước đầu cho thấy sự chuyển động tích cực trong cải cách thể chế. Đến nay, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện 02 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng gồm: Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh “quy định nội dung và mức chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Thái Nguyên” và Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh “Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Đây là 02 văn bản có tính chất then chốt, không chỉ nâng cao năng lực quản trị công trong lĩnh vực khoa học - công nghệ mà còn tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động tham vấn, kết nối chuyên gia để bảo đảm triển khai hiệu quả Nghị quyết. Trên cơ sở chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề tham vấn chuyên gia, tập trung vào 03 nội dung trọng tâm là huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng thể chế tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. Thông qua Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia góp ý, đề xuất giải pháp mang tính thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, tỉnh chủ động nắm bắt và cụ thể hóa các chủ trương lớn từ Trung ương. Tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước đi thể hiện sự quyết liệt trong cải cách, tinh thần dám nghĩ dám làm và linh hoạt thích ứng với những yêu cầu mới của thời đại số.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển nền tảng hạ tầng số. Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Thái Nguyên đến hết năm 2025 được ban hành với nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó ưu tiên mở rộng hạ tầng viễn thông, phủ sóng mạng 5G và phổ cập kết nối cáp quang băng rộng đến từng hộ gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.126 vị trí phát sóng thông tin di động, 6.083 trạm BTS, trong đó có 121 trạm phát sóng 5G, đạt tỷ lệ 274 người/trạm, là mức cao so với trung bình cả nước. Đặc biệt, Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình (với quy mô 197,61 ha) đang được đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng, định hướng phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như AI, bán dẫn, tự động hóa, UAV, IoT. Trọng tâm của dự án là xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư chiến lược và hoạt động chuyển giao công nghệ.
Song song với phát triển hạ tầng, tỉnh cũng tiên phong trong lĩnh vực phát triển dữ liệu lớn và công nghệ bán dẫn. Việc kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn (Data Center) có quy mô trên 1000 racks, công suất trên 10MW đã ghi nhận kết quả bước đầu với Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 19/6/2025 giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH KCTC Việt Nam và Công ty TNHH ThePRECON (Hàn Quốc). Hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip chuyên dụng và thiết bị điện tử hàng đầu của cả nước, tỉnh triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn. Trong năm học 2024-2025, Đại học Thái Nguyên đã mở chuyên ngành đào tạo bán dẫn, tuyển sinh gần 130 sinh viên, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp tương lai. Tỉnh cũng không ngừng tìm kiếm hướng đi mới để phát triển kinh tế tri thức. Dự án Phim trường số “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội” do Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên thực hiện đã thu về doanh thu hơn 20 tỷ đồng, là minh chứng cho sự kết hợp sáng tạo giữa công nghệ số và văn hóa. Đặc biệt, ngày 30/3/2025, thông qua kết nối với tỉnh Thái Nguyên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU), Đại học Thái Nguyên và nền tảng Blockchain OKX ký kết hợp tác toàn diện về đào tạo và phát triển Blockchain. Việc hợp tác, chia sẻ của hai bên là chìa khoá để đi tắt - đón đầu làn sóng Blockchain, đưa ICTU trở thành trung tâm đào tạo về Blockchain hàng đầu tại Việt Nam. Đây là dấu mốc mới trong quá trình đào tạo, nghiên cứu, xây dựng cộng đồng công nghệ tại địa phương, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc đầu tư Trung tâm Dữ liệu tỉnh Thái Nguyên giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH KCTC Việt Nam và Công ty TNHH ThePRECON (Hàn Quốc), ngày 19/6/2025
Trên nền tảng hạ tầng số hiện đại đang từng bước được hoàn thiện, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị, coi đây là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả quản trị, cải cách hành chính và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiều kết quả nổi bật được ghi nhận. Theo Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử được đánh giá trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 30/6/2025, tỉnh đạt 87,62/100 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, khẳng định vị thế đi đầu trong cải cách hành chính gắn với công nghệ số. Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh đã được triển khai rộng khắp đến hơn 12.000 cán bộ, cùng với việc cấp 25.643 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, bảo đảm 100% cán bộ một cửa và cán bộ xử lý thủ tục hành chính có chữ ký số chuyên dùng. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) với hơn 6 triệu giao dịch được thực hiện, tiếp tục được phát triển và khai thác hiệu quả để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng đã hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; tổ chức làm sạch dữ liệu thông tin công dân phục vụ xác thực người tham gia bảo hiểm xã hội; làm sạch thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho công an cấp xã và cán bộ tiếp dân các sở, ban, ngành về khai thác nền tảng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm vận hành hiệu quả và đồng nhất. Song song đó, tỉnh tập trung triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hiện đại hóa nền hành chính Đảng. Các cấp ủy đã ban hành đồng bộ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo và triển khai toàn diện trên nhiều phương diện: hoàn thiện thể chế, chính sách; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; bảo đảm hạ tầng số ổn định và kết nối thông suốt tới 100% đơn vị cấp xã. Tỉnh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về hiệu quả sử dụng Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp do Trung ương chuyển giao. Các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng được triển khai toàn diện; 100% xã, phường đã được cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đặc biệt, tất cả các cơ quan đảng tỉnh đã tổ chức tập huấn về trí tuệ nhân tạo, giúp cán bộ tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong công việc.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Văn phòng Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Chương trình "Bình dân học AI" cho cán bộ, công chức, viên chức đảng viên các cơ quan đảng tỉnh Thái Nguyên, ngày 21/5/2025
Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa các mô hình đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình như Mô hình “Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất bằng phương tiện điện tử”; Mô hình thử nghiệm xây dựng nhân vật MC truyền hình ảo, đa ngôn ngữ phục vụ các bản tin đối ngoại; Mô hình triển khai giáo dục STEM tại các Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh;… đã bước đầu cho thấy tính hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương. Đặc biệt, tỉnh đã công bố 20 bài toán lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, qua đó kêu gọi sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành hiện thực hóa các mục tiêu đổi mới sáng tạo.
Trong khối doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Nhiều chương trình đào tạo, hội thảo, cuộc thi đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, đồng thời hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp tham gia các hoạt động khởi nghiệp quy mô quốc gia. Trong hoạt động hợp tác, liên kết, tỉnh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Đại học Thái Nguyên cũng như các viện nghiên cứu lớn trong nước. Giai đoạn 2020–2025, gần 90 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đã được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông; cơ khí, tự động hóa; nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên và môi trường; giáo dục và đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng động; bảo tồn nguồn gen. Tỉnh cũng hợp tác với Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc nâng cao giá trị cây chè thông qua nghiên cứu và phát triển sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Với định hướng lấy công nghệ số làm đòn bẩy phát triển kinh tế, tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy tiêu dùng số, thương mại điện tử và tài chính số: hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; có 181 website thương mại điện tử được đăng ký; hơn 80 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng TikTok; duy trì và vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử www.thainguyentrade.vn. Trong lĩnh vực thanh toán số, toàn tỉnh hiện có hơn 1,4 triệu tài khoản được xác thực sinh trắc học, 127 chợ 4.0 và hơn 513.000 tài khoản Mobile Money. Một điểm nhấn là, gian hàng nông sản chung của tỉnh mang tên “Bản Việt - Thái Nguyên” trên sàn thương mại điện tử Shopee đã chính thức ra mắt vào ngày 01/4/2025, đã góp phần quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương như các sản phẩm trà Thái Nguyên, miến Việt Cường, trà mướp đắng rừng Phú Lương, mì chuối xanh Bản Việt, lạc đỏ bản địa Vinacoop, gạo nếp Thầu Dầu, cơm cháy Én Vàng, nấm hương khô Võ Nhai, tương nếp Úc Kỳ, mỳ gạo bao thai Định Hóa và nhiều loại thực phẩm sạch khác… trên môi trường số. Tổng doanh thu kinh tế số toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 14,24 tỷ USD. Đây là một minh chứng rõ nét phản ánh sự bứt phá mạnh mẽ của tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện.
UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên
năm 2025
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, tỉnh chủ động đẩy mạnh việc nghiên cứu các hoạt động hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức quốc tế có nền khoa học phát triển, nhằm tiếp cận công nghệ hiện đại, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả bước đầu đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đã được bảo hộ tại nhiều quốc gia và khu vực, cùng góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Đại học Thái Nguyên, các cơ sở y tế… cũng tích cực mở rộng hợp tác khoa học - công nghệ với các đối tác lớn từ Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp...
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh xác định là chìa khóa để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Năm 2025, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Năng lực số, đặt trọng tâm vào việc phổ cập kiến thức số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đặc biệt, chương trình “Bình dân học AI” được triển khai rộng rãi nhằm nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, tỉnh cũng đang tích cực xây dựng các chính sách đặc thù để thu hút và tuyển dụng nhân lực chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo và phát triển nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Các cơ chế ưu đãi đang được nghiên cứu để thúc đẩy mối liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp, tạo nên một hệ sinh thái nhân lực bền vững và năng động.
Hoạt động truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo sâu rộng trong cộng đồng. Tỉnh đã thiết lập chuyên mục "Nghị quyết 57" trên các phương tiện truyền thông chính thống; đồng thời tổ chức cuộc thi "Đổi mới sáng tạo - Vì Thái Nguyên thân yêu lần thứ nhất năm 2025” nhằm tôn vinh, biểu dương và khen thưởng những cá nhân, tập thể có đóng góp nổi bật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó, tỉnh mong muốn truyền động lực mạnh mẽ để các nhà khoa học, nhà sáng chế, cộng đồng doanh nghiệp... tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của địa phương trong kỷ nguyên số.
Thiết lập chuyên mục “Nghị quyết 57” trên các phương tiện truyền thông chính thống của tỉnh
Phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục duy trì đà triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế, chính sách sau sắp xếp đơn vị hành chính; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin ổn định, an toàn; nâng cấp các nền tảng, ứng dụng số phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động chỉ đạo điều hành; đồng thời, tỉnh tăng cường sao lưu, bảo vệ dữ liệu; bố trí đầy đủ nguồn lực, tổ chức tập huấn thực tiễn cho cán bộ và phát huy hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng, đảm bảo hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành địa phương tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.