Thái Nguyên đẩy mạnh chuyển đổi số ngành giáo dục - Hướng tới nền giáo dục thông minh và hội nhập
2025-05-28 09:45:00.0
Hiện nay, chuyển đổi số ngành giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ, đây không chỉ là xu hướng, mà còn là động lực then chốt để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo. Với mục tiêu xây dựng một nền giáo dục số, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, các cấp quản lý đã có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Với chủ đề năm 2025 là “Chuyển đổi số ngành giáo dục – Thay đổi nhận thức, hành động mạnh mẽ”, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mục tiêu đặt ra không chỉ dừng lại ở hiện đại hóa công nghệ, mà còn hướng tới sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy giáo dục, đổi mới phương pháp dạy – học, tối ưu hóa quản lý, hoàn thiện nền tảng dạy học trực tuyến, phát triển kho học liệu số, và đặc biệt là nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên, học sinh và toàn hệ thống giáo dục.
Học sinh trường THCS Chu Văn An - TP. Thái Nguyên tham gia khóa học trải nghiệm Công nghệ số STEM tại Trung tâm số - Đại học
Thái Nguyên
Đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số và xã hội số, việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trở thành một nhiệm vụ tất yếu. Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số, giúp nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Toàn tỉnh đã có trên 18.000 lượt cán bộ, giáo viên được tập huấn về chuyển đổi số, đội ngũ nhà giáo ngày càng chủ động trong việc ứng dụng công nghệ trong dạy học, qua đó nâng cao hiệu quả giảng dạy, khơi gợi tư duy sáng tạo và năng lực tự học của học sinh. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số cũng được tổ chức cho lực lượng cán bộ cốt cán, nhằm đảm bảo việc triển khai chuyển đổi số có tính hệ thống và đồng đều từ cấp tỉnh đến từng cơ sở giáo dục. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, Thái Nguyên xác định xây dựng trường học số là một giải pháp chiến lược và thiết thực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đồng thời thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn ngành. Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 13/3/2025 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị, ngành giáo dục tỉnh đang tích cực xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số tại tất cả các cấp học, với mục tiêu lan tỏa tinh thần đổi mới và tạo dựng hệ sinh thái học tập thông minh toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ và tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, ngành giáo dục Thái Nguyên cũng đang chủ động nắm bắt cơ hội để đổi mới và nâng cao chất lượng. AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong hoạt động dạy – học, với nhiều hình thức như: chấm điểm tự động, phân tích dữ liệu học tập, xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa, hỗ trợ ra đề, đánh giá kết quả và tối ưu hóa phương pháp giảng dạy. Đây không chỉ là sự đổi mới về công nghệ, mà còn là bước đi chiến lược trong tiến trình xây dựng nền giáo dục số năng động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt và sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu.
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên được tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
Song song với đó, việc xây dựng hệ thống quản lý giáo dục số cũng được tỉnh triển khai quyết liệt nhằm hiện đại hóa công tác quản trị và nâng cao hiệu quả điều hành ngành giáo dục. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý, giúp giảm 40% thời gian xử lý hành chính, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị. Thông qua nền tảng số, toàn bộ dữ liệu liên quan đến học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và kết quả học tập được số hóa và quản lý tập trung, cho phép truy cập nhanh chóng, minh bạch và chính xác. Hệ thống cũng tích hợp các tính năng phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định trong quản lý chuyên môn, phân bổ nguồn lực và xây dựng kế hoạch phát triển. Không dừng lại ở việc ứng dụng phần mềm quản lý, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, coi đây là nền tảng cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Cơ sở dữ liệu này không chỉ là kho lưu trữ thông tin, mà còn là công cụ quản trị thông minh, giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đóng vai trò như một “bộ não số” của toàn ngành. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 683 đơn vị giáo dục đã thực hiện chuẩn hóa dữ liệu theo đúng quy định, đảm bảo thông tin đầy đủ và toàn diện về học sinh, giáo viên cũng như cơ sở vật chất. Đặc biệt, 100% dữ liệu người học và giáo viên đã được kết nối, đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua đó góp phần nâng cao tính chính xác, minh bạch và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành giáo dục.
Hướng đến tương lai với một hệ sinh thái giáo dục số thông minh, hiện đại và nhân văn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên xác định lộ trình chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, thiết thực. Năm 2025, toàn ngành phấn đấu hoàn thiện nền tảng dạy học trực tuyến và phát triển kho học liệu số mở, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời giúp học sinh chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi. Đến năm 2026, phấn đấu đạt 100% trường học có hạ tầng số đạt chuẩn, đảm bảo điều kiện cần thiết cho việc dạy – học và quản trị trên môi trường số. Năm 2027, tỉnh hướng tới đạt mức độ 3 trong khung đánh giá chuyển đổi số ngành giáo dục, tập trung vào số hóa toàn diện quy trình quản lý, giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, đồng thời khai thác dữ liệu hiệu quả trong việc ra quyết định chuyên môn. Tầm nhìn đến năm 2030, ngành đặt mục tiêu hoàn thiện nền giáo dục số hóa toàn diện, nơi mọi hoạt động dạy học, tương tác, quản trị và phát triển năng lực đều được vận hành trên nền tảng số thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo và kết nối liên thông với các ngành khác trong hệ sinh thái số của tỉnh. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, bao gồm: đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện hệ thống học liệu số toàn diện; thúc đẩy sáng tạo nội dung số, phát triển kỹ năng số cho học sinh; tăng cường liên kết với doanh nghiệp công nghệ; đồng thời chú trọng các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu và an ninh mạng.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà là bước đi chiến lược để giáo dục Thái Nguyên phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng. Với quyết tâm đồng bộ từ quản lý đến nhà trường, từ thầy cô đến học sinh, ngành giáo dục đang từng bước kiến tạo một hệ sinh thái số thông minh, nhân văn và hiệu quả - nơi mỗi trường học là một trung tâm đổi mới, mỗi người học là một công dân số sẵn sàng cho tương lai.