Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06: Chủ động, đồng bộ và hiệu quả trên nền tảng chính quyền 2 cấp
2025-07-23 10:10:00.0
Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đang tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và bài bản. Trong bối cảnh địa phương vừa sáp nhập hành chính và vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, việc thực hiện Đề án 06 không chỉ đảm bảo tiến độ mà còn tạo nền tảng quan trọng cho xây dựng chính quyền số hiện đại, phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả rõ nét
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn sau sáp nhập. Kế hoạch triển khai cùng hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất để các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao. Qua đó, công tác thực hiện Đề án được duy trì liên tục, không gián đoạn trong quá trình chuyển đổi mô hình hành chính, tạo tiền đề cho chuyển đổi số đồng bộ, sâu rộng từ cơ sở.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy dự Hội nghị trực tuyến quán triệt triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, ngày 23/6/2025
Hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, phục vụ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Trước yêu cầu tổ chức lại bộ máy hành chính sau khi sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, công tác hoàn thiện thể chế và đầu tư hạ tầng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Đề án 06.
Về thể chế, nhằm bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sáp nhập tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 55/2024/QĐ-UBND ngày 16/12/2024 về Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên. Việc điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo khung pháp lý phù hợp với mô hình tổ chức mới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin hành chính trên toàn tỉnh.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị như: máy tính, máy scan, máy in, thiết bị chứng thư số, màn hình tra cứu, bảng hướng dẫn thông tin… đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong môi trường số. Còn tại cấp xã, do ảnh hưởng của quá trình sáp nhập địa giới hành chính và sự phân tán địa bàn, việc trang bị thiết bị CNTT còn thiếu đồng bộ, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vận hành thực tế. Để khắc phục tình trạng này, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát thực trạng trang thiết bị công nghệ thông tin tại trung tâm phục vụ hành chính công các cấp. Trên cơ sở kết quả đánh giá, các phương án bổ sung thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối liên thông hạ tầng đã được triển khai theo lộ trình, đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 118/2025/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc hoàn thiện thể chế và nâng cấp hạ tầng không chỉ giúp tăng cường năng lực vận hành hệ thống hành chính mới, mà còn góp phần đảm bảo tính liên tục, ổn định trong việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong điều kiện chuyển đổi mạnh mẽ sang môi trường số.
Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ người dân
Một trong những kết quả nổi bật trong triển khai Đề án 06 tại Thái Nguyên thời gian qua là việc mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc số hóa và tích hợp các dịch vụ hành chính không chỉ rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mà còn giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận chính quyền số mọi lúc, mọi nơi. Từ 01/7/2025-16/7/2025, toàn tỉnh đã tiếp nhận 20.700 hồ sơ, trong đó 9.268 hồ sơ được nộp qua hình thức trực tuyến (chiếm 45%); tổng số hồ sơ đã được giải quyết thành công là 15.458 hồ sơ; đồng thời hoàn tất số hóa 14.976 hồ sơ (đạt tỷ lệ 72,3%). Tỉ lệ này cho thấy sự chuyển biến thực chất trong cải cách hành chính, tăng tốc độ xử lý công việc và giảm tải cho bộ phận một cửa tại các cấp. Tỉnh đã hoàn tất việc tích hợp các Dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, đảm bảo kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc kết nối đồng bộ này không chỉ giúp rút gọn hồ sơ cho người dân (không phải nộp lại giấy tờ đã có) mà còn giúp cơ quan quản lý kiểm tra, xác minh thông tin tự động, góp phần tăng tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong xử lý thủ tục. Đặc biệt, hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: đăng ký hộ tịch, xác nhận cư trú, cấp giấy phép xây dựng, lĩnh vực giáo dục, y tế… Đây là nền tảng quan trọng để hướng tới một nền hành chính công khai, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm, đúng với mục tiêu mà Đề án 06 đặt ra.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Vạn Xuân, tỉnh Thái Nguyên
Chữ ký số - Công cụ thiết yếu trong nền hành chính số
Trong tiến trình chuyển đổi số, chữ ký số đóng vai trò là công cụ xác thực quan trọng, góp phần đảm bảo tính pháp lý, bảo mật và minh bạch trong xử lý thủ tục hành chính. Tại Thái Nguyên, việc đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số không chỉ giúp thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tiến tới môi trường không giấy tờ, mà còn tăng tốc độ xử lý, giảm chi phí hành chính và bảo vệ dữ liệu công dân. Đến nay, tỉnh đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 39.519 chữ ký số chuyên dùng công vụ, trong đó bao gồm 35.951 chữ ký số cá nhân và 3.568 chữ ký số tổ chức. Đây là nền tảng giúp đội ngũ cán bộ tại các sở, ngành, đơn vị địa phương thực hiện ký duyệt hồ sơ điện tử, văn bản số và xử lý công việc liên thông trên các nền tảng dịch vụ công, một cửa điện tử. Song song với đó, Thái Nguyên đã triển khai mạnh mẽ chữ ký số công cộng, là công cụ giúp người dân xác thực hồ sơ trực tuyến và tham gia các giao dịch điện tử có giá trị pháp lý. Tính đến ngày 12/6/2025, toàn tỉnh đã cấp được 488.648 chữ ký số công cộng, vượt 18,89% chỉ tiêu UBND tỉnh đặt ra và vượt 62,88% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, một kết quả thể hiện rõ sự đồng thuận, chủ động và hiệu quả trong công tác tổ chức, tuyên truyền và hỗ trợ triển khai tại cơ sở.
Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai đợt cao điểm tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID kết hợp với chữ ký số công cộng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục và an sinh xã hội trên môi trường số. Đây là bước đi chiến lược để xây dựng một hệ sinh thái hành chính điện tử toàn diện, bảo đảm mỗi người dân có danh tính số, hồ sơ số và phương tiện xác thực số an toàn khi tương tác với chính quyền.
Các Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân cài đặt chữ ký số công cộng
Tăng cường bảo mật hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số
Bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin là một trong những điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số trong Đề án 06. Tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm chủ động phòng tránh, phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả các rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu và vận hành hệ thống hành chính công.
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang được triển khai thử nghiệm trên hạ tầng công nghệ của Tổng công ty Viễn thông Mobifone và đã được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo mật, an ninh thông tin theo quy định. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm tra, đánh giá định kỳ về an ninh hệ thống, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chuyên môn và Phòng PA05 - Công an tỉnh, đảm bảo việc chia sẻ, kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện đúng chuẩn, an toàn và hiệu quả. Việc rà soát, cấp mới, thu hồi các tài khoản không sử dụng và cập nhật quyền truy cập đang được đẩy mạnh nhằm tránh lộ lọt thông tin, đồng thời đảm bảo dữ liệu chỉ được khai thác đúng mục đích, đúng quy định.
Nhân viên MobiFone triển khai đào tạo, tập huấn vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức tỉnh Thái Nguyên
Mô hình điểm – Nền tảng thực tiễn để nhân rộng toàn diện
Trong quá trình triển khai Đề án 06, việc xây dựng và vận hành các mô hình điểm tại cấp cơ sở là một bước đi chiến lược, giúp kiểm nghiệm thực tiễn, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, đồng thời tạo mẫu chuẩn để nhân rộng toàn tỉnh. Đây là phương thức tiếp cận linh hoạt, sát thực tiễn nhằm bảo đảm triển khai Đề án hiệu quả, đúng hướng và phù hợp với điều kiện đặc thù từng địa phương. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành triển khai 07 Mô hình điểm theo Kế hoạch phối hợp với Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ và 03 Mô hình còn lại đang được thực hiện theo đúng tiến độ. Đây chính là bước đệm vững chắc để đảm bảo việc triển khai Đề án 06 trên diện rộng được thống nhất, đồng bộ và sát thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh tỉnh đang vận hành mô hình chính quyền 2 cấp sau sáp nhập.
Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Đề án đến gần người dân
Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng và đa dạng hóa hình thức. Từ hệ thống loa truyền thanh cơ sở, họp tổ dân phố, phát tờ rơi đến việc tích hợp mã QR tại các điểm hành chính để người dân dễ dàng tra cứu thông tin. Các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, hệ thống truyền thanh cấp xã, phát sóng các bản tin, chuyên mục tuyên truyền về việc sáp nhập đơn vị hành chính, thay đổi tên gọi, địa bàn mới; đồng thời hướng dẫn người dân về địa chỉ liên hệ UBND xã mới, các điểm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Ngoài ra, một số địa phương đã kết hợp phát thông tin qua loa lưu động, nhóm Zalo cộng đồng, trang thông tin điện tử cấp xã nhằm mở rộng phạm vi tuyên truyền.
Chủ động khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tỉnh Thái Nguyên cũng nghiêm túc nhìn nhận các vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06, đặc biệt là tại cấp cơ sở. Trong đó, nổi bật là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin tại một số đơn vị, đặc biệt sau khi sáp nhập địa giới hành chính; cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ giữa các xã, phường; cùng với đó là khó khăn của người dân khi tiếp cận mô hình hành chính mới. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp cụ thể, nhằm tháo gỡ kịp thời và hiệu quả. Trong tháng 7/2025, tỉnh đã tổ chức 03 hội nghị tập huấn về sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính mới cho gần 700 các cán bộ quản trị, cán bộ một cửa của 02 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ). Bên cạnh đó, tỉnh đã bố trí 184 kỹ thuật viên hỗ trợ trực tiếp tại 92 xã, phường để hỗ trợ tại chỗ, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai; đồng thời, Bưu điện tỉnh cũng được huy động tham gia hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến ngay tại cơ sở, giúp giảm áp lực cho bộ phận một cửa và rút ngắn thời gian tiếp cận dịch vụ. Ngoài ra, công tác rà soát hệ thống thể chế, quy trình vận hành và hạ tầng kỹ thuật số đang được triển khai quyết liệt, đảm bảo các điều kiện cần thiết để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động đồng bộ, thông suốt, tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng các dịch vụ hành chính số trong giai đoạn tiếp theo.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản trị, sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phiên bản mới
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Thái Nguyên xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06 trong giai đoạn chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương. Trong đó, trọng tâm là triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động số 268-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số liên thông, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Cùng với đó là nhiệm vụ nâng cấp các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung, đảm bảo phù hợp với cơ cấu tổ chức hành chính sau sáp nhập; tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số theo hướng thực chiến, nâng cao khả năng vận hành hệ thống và xử lý quy trình nghiệp vụ mới tại cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các “Tổ công nghệ số cộng đồng” để hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích số; đồng thời rà soát, tổng hợp các khó khan, vướng mắc từ cơ sở để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai Đề án tại địa phương.
Với tinh thần đổi mới, chủ động phát huy nội lực và hành động quyết liệt, Thái Nguyên quyết tâm giữ vững vai trò là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện Đề án 06, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính số hiện đại và minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.