Thu hút dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phương tiện, thiết bị bay không người lái và phát triển kinh tế tầm thấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
2025-05-07 16:22:00.0
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế gắn với công nghệ và đổi mới sáng tạo, mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định phê duyệt dự án thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phương tiện, thiết bị bay không người lái và phát triển kinh tế tầm thấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - một lĩnh vực mới giàu tiềm năng trong thời đại công nghiệp 4.0.
Kinh tế tầm thấp là hình thái kinh tế mới, phát triển dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng cao trong không gian gần mặt đất như thiết bị bay không người lái (UAV), phương tiện bay tự động và các dịch vụ liên quan. Đây là lĩnh vực có tiềm năng, triển vọng lớn và thuộc phạm vi xu hướng chuyển đổi số trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. Sự tiến bộ trong công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho UAV ứng dụng rộng rãi, không chỉ phục vụ quốc phòng mà đã và đang mở rộng ứng dụng mạnh mẽ trong các lĩnh vực dân sự như giám sát chăn nuôi, nông nghiệp, cứu hộ cứu nạn, vận tải, du lịch, thương mại, giải trí và truyền thông,.... mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tiết kiệm chi phí nhân công. Trong lĩnh vực địa chính, ứng dụng UAV một cách hiệu quả cũng góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí khảo sát, vượt qua các khó khăn của phương pháp đo đạc truyền thống tại các địa hình hiểm trở, khó điều hưởng và đồng thời mang lại nguồn thông tin trực quan, kịp thời với độ chính xác cao. Công nghệ UAV được dự báo sẽ là một trong những mũi nhọn công nghệ mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội; cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển hệ sinh thái dịch vụ UAV và phát triển kinh tế tầm thấp trên một số lĩnh vực như: giám sát, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; giao hàng; thu thập thông tin khí tượng; quay phim, chụp ảnh từ trên không; quảng bá du lịch; xây dựng bản đồ 3D; rải phân bón và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp; quản lý và bảo vệ rừng; giám sát giao thông; giám sát hạ tầng (đường sắt, truyền tải điện, đường ống công nghiệp)... Với tầm nhìn đón đầu xu hướng, tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp và 01 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245 ha, hiện nay có 08 Khu công nghiệp đã có chủ đầu tư, trong đó 05 khu công nghiệp đang duy trì hoạt động ổn định; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha, trong đó đã có 27 cụm đã có chủ đầu tư. Một trong những trọng điểm thu hút đầu tư là Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, có diện tích quy hoạch khoảng 197,61 ha, đã quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Tỉnh hiện đang tích cực tìm kiếm và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho khu vực này, nơi được xem là khu vực có điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án công nghệ cao như sản xuất thiết bị bay không người lái.
Thử nghiệm ứng dụng UAV để phun tưới chè tại HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên
Có thể thấy, việc xây dựng đề án để thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất UAV và phát triển kinh tế tầm thấp là cần thiết để lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng và đang hoạt động hoặc nghiên cứu đầu tư vào đầu tư nhà máy sản xuất UAV; đề ra các giải pháp để thu hút, kêu gọi đầu tư thuộc lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; cơ bản định hình được những tiềm năng, triển vọng thu hút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất UAV, phát triển hệ sinh thái dịch vụ UAV và kinh tế tầm thấp gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả đề án, UBND tỉnh giao các sở, ngành đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghệ thông tin lập trung Yên Bình; xúc tiến gọi các doanh nghiệp lớn, có năng lực, tiềm năng để mời gọi, trao đổi về khả năng đầu tư nhà máy sản xuất UAV; xác định sơ bộ được chuỗi cung ứng sản xuất (linh kiện, vật tư, nhân lực,…) cần thiết để thiết lập nhà máy sản xuất, từ đó mở rộng việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vệ tinh tới tham gia vào chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và đánh giá sơ bộ các quy định, chính sách hiện hành áp dụng với các doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất UAV. Bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, thí điểm để khuyến khích đầu tư các Dự án nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thiết bị UAV và phát triển kinh tế tầm thấp (như ưu đãi thuế, phí, đất đai, tài chính, đào tạo nhân lực,…) theo chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ để khuyến khích đầu tư, xuất nhập khẩu liên quan đến sản xuất UAV, phát triển nền kinh tế tầm thấp, đồng thời phải đảm bảo quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về “kinh tế tầm thấp” nói chung và lợi ích của việc ứng dụng thiết bị UAV nói riêng một cách thường xuyên, liên tục tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh để nhận được những ý kiến, đóng góp kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; tăng cường tập huấn, đào tạo và nghiên cứu, phát triển, nghiên cứu lồng ghép các nội dung liên quan đến thiết bị UAV và ngành kinh tế tầm thấp vào chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên; hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức về tiềm năng, hiệu quả của việc ứng dụng thiết bị UAV và phát triển kinh tế tầm thấp cho các đối tượng có liên quan để phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tầm thấp.
Hướng tới xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh nhiều chương trình, giải pháp tăng cường phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đề ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; ứng dụng các khoa học công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội của địa phương.