Ứng dụng công nghệ số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
2024-04-26 21:30:00.0
Ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới, phát huy thế mạnh của sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian qua, với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, từ đó đã có nhiều vùng sản xuất hàng hóa được hình thành.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đa dạng, phong phú, đạt chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa. Các sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từ đó từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường… Tính đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao). Đây là một lợi thế rất lớn để các sản phẩm của tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội,… Sàn thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có 240 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với trên 2.700 sản phẩm được cập nhật, thu hút được lượng lớn khách hàng tiềm năng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, nhất là hợp tác xã đã từng bước được củng cố, phát triển, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường; từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất ở nông thôn đến thị trường tiêu thụ; giá trị thương hiệu của các sản phẩm OCOP từng bước được nâng cao. Theo đánh giá của ngành chức năng, giá trị kinh tế của các sản phẩm sau khi được đánh giá xếp hạng OCOP tăng từ 20% trở lên. Doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao OCOP đều tăng 20-50%; doanh số bán hàng của các chủ thể có sản phẩm OCOP đều tăng nhanh trong các năm qua điển hình như HTX chè Hảo Đạt, HTX miến Việt Cường, HTX Sơn Dung trà,…
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2024 với chủ đề "Kết nối cùng phát triển - Link to grow"
Để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn hiểu và bán hàng trên nền tảng số, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo: “Chuyển đổi số trong Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP”; Hội thảo về “Giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu và giá trị sản phẩm Chè tỉnh Thái Nguyên”; Hội nghị triển khai, hướng dẫn các chủ thể OCOP tạo lập, thương mại điện tử trên nền tảng số Tiktok và áp dụng các mô hình kinh tế số; Hội thảo kết hợp Livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên;… Cũng từ đó phong trào livestream bán hàng nông sản trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, nhiều buổi Livestream: “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”; “Chợ phiên OCOP - Thái Nguyên 2023”, “Ngày hội kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp nông thôn; giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên năm 2024”… đã đem lại những kết quả rất tích cực.
Bên cạnh đó, nhằm gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; hỗ trợ hướng dẫn xây dựng kịch bản và kỹ thuật livestream bán nông sản sản phẩm trên mạng xã hội cho các hộ nông dân, các HTX; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, website quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc QR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, góp phần tạo niềm tin đối với nông sản của tỉnh.
Xác định, chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng. Với quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, thời gian tới sẽ có nhiều ứng dụng số đưa vào triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.